02/11/2023
Nhà văn Vũ Ngọc Phan
2. Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan được xuất bản trong bốn năm (1942-1945), là công trình thuộc loại phê bình tác giả. Có 79 nhà văn được điểm tới trong công trình này. Khác với cách làm của Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam, Vũ Ngọc Phan rất chú trọng việc phân loại tác giả. Nói cách khác, phân loại là thao tác trụ đỡ của Vũ Ngọc Phan để cấu trúc công trình. Trong cái nhìn tổng quan, ông chia các nhà văn Việt Nam đầu thế kỷ XX thành hai lớp: “lớp trước” và “lớp sau”. Cơ sở của sự phân chia đã được nhà phê bình xác định: “Những nhà văn lớp đầu phần nhiều đều là những nhà biên tập, dịch thuật hay khảo cứu: phần sáng tác tuy cũng có, nhưng rất ít, bị phần kia át hẳn đi. (…). Đến các nhà văn lớp sau, điều đặc biệt là những cái họ viết đều là những sáng tác, đều xuất bản thành sách, và thường thường người nào đã sở trường về loại văn nào thì theo đuổi luôn luôn loại văn ấy”(1)... Đối với các nhà văn lớp trước, ông chia theo từng nhóm (Nhóm những nhà văn hồi mới có chữ quốc ngữ, Nhóm Đông Dương tạp chí, Nhóm Nam Phong tạp chí, Nhóm các nhà văn độc lập bao gồm các nhà biên khảo, các tiểu thuyết gia, các thi gia). Các nhà văn lớp sau được ông phân theo thể loại, trong đó dành nhiều công sức hơn cho các nhà tiểu thuyết. Việc chia các tiểu thuyết giai đoạn 1930-1945 thành mười loại cũng là một đóng góp quan trọng của Vũ Ngọc Phan trong việc nghiên cứu tiểu thuyết, cả về lý thuyết thể loại lẫn thực tiễn văn học. Nhìn chung, cấu trúc này của Vũ Ngọc Phan giúp người đọc vừa hình dung được một cách tương đối về diện mạo tổng thể của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, vừa dễ dàng nhận ra vị trí văn học sử và thiên hướng của các nhà văn. Đây cũng chính là mong mỏi của nhà phê bình về ý nghĩa của công trình “để những người lưu tâm đến văn chương nước nhà tiện việc tra cứu và có thể biết qua về sự tiến hóa của văn học hiện đại”(2). Về mục đích của việc phê bình tác giả, Vũ Ngọc Phan tâm niệm “làm cho người ta hiểu rằng trong văn chương, lối phê bình là lối phải theo phương pháp khoa học nhiều nhất, và một khi đã có khoa học dự vào thì không thể nào có sự thiên vị được. Sự thiên vị mà người đọc tưởng là nhận thấy trong một bài phê bình, chỉ có thể coi là một sự khiếm khuyết trong sự xét nhận của nhà phê bình, chứ thật ra đã phê bình một cách chân chính thì bao giờ cũng phải đặt tình cảm ra ngoài”(3). Và ông đã thực hiện được điều đó trong suốt cả công trình của mình. Trong phạm vi của một tiểu luận và vì sự quan tâm đặc biệt tới Ngọc Giao, chúng tôi chọn đọc kỹ bài phê bình về tác giả này.
3. Cũng như tất cả những bài viết còn lại trong tập sách, tiểu luận về Ngọc Giao được Vũ Ngọc Phan viết bằng một giọng hoàn toàn khách quan. Người đọc có cảm giác ông cảm nhận thế nào thì viết ra như thế chứ không phải đắn đo về cách thẩm bình sao cho “dễ nghe” hay “vừa lòng” người đọc. Thậm chí, ông có vẻ như không quan tâm đến thái độ của nhà văn khi đọc bài phê bình của mình, bởi nếu quan tâm, chắc ông đã không “phê” (“chê”) nhiều đến thế. Ngoài những câu nhận xét thể hiện sự khách quan, trung tính về thái độ, có thể nhận thấy trong phần viết về Ngọc Giao, Vũ Ngọc Phan chỉ “chê” là chính. Qua gần 9 trang viết của Vũ Ngọc Phan, người đọc có thể phải ngạc nhiên trước rất nhiều “giới hạn” của Ngọc Giao.
Nhà văn Ngọc Giao
Về thể loại, Vũ Ngọc Phan xác định: “Ông là một nhà văn đến nay chỉ chuyên viết có một thứ truyện ngắn”(4). Với một người cầm bút còn trẻ như Ngọc Giao thời điểm ấy, nếu chỉ chuyên một thứ truyện ngắn và có được một số truyện đặc sắc cũng có thể gọi là thành công. Nhưng giọng của Vũ Ngọc Phan không phải giọng khích lệ. Ngay từ nhận xét mở đầu ấy, nhà phê bình như đã ngầm thể hiện quan điểm cho rằng nhà văn không nên chỉ viết một thể loại, nhất là chỉ chuyên thể truyện ngắn. Phải chăng, ông muốn nói tiểu thuyết mới là thước đo đích thực tài năng của người viết văn xuôi? Nếu là như vậy, quan điểm của Vũ Ngọc Phan đã gần gũi với tư duy hiện đại về thể loại văn học. Trong Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, M. Bakhtin cho rằng: “Tiểu thuyết giễu nhại các thể loại khác (đích thị với tư cách thể loại), lột trần tính ước lệ về hình thức và ngôn ngữ của chúng, nó lấn át thể loại này, thu hút thể loại kia vào trong cấu trúc của mình, biện giải và sắp xếp lại trọng tâm cho chúng”(5). Còn theo Vương Sóc, sở dĩ Lỗ Tấn không trở thành một văn hào được là vì: “Lỗ Tấn không có trường thiên, giải thích thế nào thì cũng là điều đáng tiếc. Có lẽ đó không chỉ là tổn thất của cá nhân mà còn là tổn thất của dân tộc Trung Hoa”(6).
Về đề tài, chủ đề: Ngọc Giao chỉ toàn nói về cái chết, về cái đã tàn phai, mai một... Từ tập Phấn hương sang đến tập Cô gái làng Sơn Hạ, Ngọc Giao vẫn “không đổi thay mấy tý” niềm hứng thú với những chuyện buồn thảm, chết chóc. Theo Vũ Ngọc Phan, kiểu đề tài ấy cũng có thể được xem là đặc sắc nhưng là đối với một nền văn học lãng mạn như châu Âu, chứ không có ý nghĩa tích cực đối với một nền văn chương “còn ở vào thời kỳ quá độ như nước ta” bởi nó có thể đưa người đọc đến “sự ủy mị, nhu nhược, có hại cho chí tự cường”. Có thể thấy, Vũ Ngọc Phan tán đồng quan điểm Nghệ thuật vị nhân sinh chứ không tán đồng quan niệm Nghệ thuật vị nghệ thuật. Do vậy, dĩ nhiên, Vũ Ngọc Phan tiếp tục “chê” văn Ngọc Giao về mặt tư tưởng: “Đọc tập Phấn hương, người ta nhận thấy Ngọc Giao là một nhà văn hay thương tiếc và khóc than, vì ông chỉ chuyên gẩy những khúc thảm sầu”(7), “Ông không thuộc phái văn sĩ lo việc xây dựng một tương lai có thế hệ mới”(8)…
Về nghệ thuật, ông phê bút pháp tả chân non yếu của Ngọc Giao qua một số tình tiết thiếu chính xác trong các truyện Điêu tàn, Luciec, Thời gian… Ông chỉ ra sự thiếu hợp lý trong cách kết cấu truyện Cô gái làng Sơn Hạ: “Trái núi đẻ ra con chuột nhắt! Một truyện đang ồ ạt, tấp nập, rùng rợn, bỗng nhiên hóa phẳng lặng, tầm thường với cái kết rất trung hậu và dễ dàng!”(9). Ông chê, thậm chí mỉa mai, cách xây dựng nhân vật người canh vườn Bách thảo trong truyện Người gác đêm: “Lão canh vườn quê mùa mà lại có chung được cái tâm sự của Tô Vũ là một vị trung thần và còn là một nhà thơ nữa! Đã hay rằng Ngọc Giao là một nhà tiểu thuyết tình cảm, nhưng ông cũng không nên trút cái tình cảm của riêng mình vào khối óc một người quê mùa và phác thực”(10)…
Về lời văn, ông cho rằng văn Ngọc Giao sáo, nhiều chỗ dùng từ không chính xác, không sát đối tượng. Thậm chí, một vài đoạn trong truyện Thời gian, với Vũ Ngọc Phan là “vừa rỗng, vừa thừa, vừa cũ rích, tác giả sở dĩ dùng, chỉ là cốt khi đọc lên, nghe cho kêu mà thôi”(11). Theo Vũ Ngọc Phan, đó chỉ là sở thích của người mới viết văn, còn đối với người đã lành nghề thì lại là một cái tật lớn.
Có thể nói, với một người mới cầm bút như Ngọc Giao, gặp một bài phê bình như thế về sáng tác của mình, chẳng khác nào bị dội nhiều gáo nước lạnh. Còn nếu ví phê bình là “ngọn roi” dùng để điều chỉnh “con ngựa sáng tác”, thì bác xà ích Vũ Ngọc Phan đã cầm roi quất liên hồi khiến cho cha đẻ của những đứa con tinh thần là Ngọc Giao không khỏi đau đớn. Nghĩa là, kiểu phê bình ấy đủ sức mạnh để làm cho người viết ngay lập tức thấm thía rằng thử thách của sáng tạo nghệ thuật quả thật nghiệt ngã. Thậm chí, nó khiến cho người viết phải tỉnh táo mà nhận ra mình nên dừng lại hay đi tiếp trên con đường sáng tạo đầy chông gai. Dù thế, Vũ Ngọc Phan cũng không để nhà văn hoàn toàn tuyệt vọng. Cuối cùng thì ông cũng cho thấy văn Ngọc Giao có những ưu điểm, chỉ có điều, nó khiêm tốn quá: “Tuy vậy, không phải là Ngọc Giao không viết được những câu giản dị, có ý nhị, tả cái tình quê đầy thơ mộng và tràn ngập yêu đương. Đây là câu chuyện của một đôi trai gái (…). Như thế, có phải kín đáo, nhẹ nhàng, tươi sáng biết bao và ở trong một khung cảnh thích hợp nữa”(12). Với chừng ấy ưu điểm mà vẫn can trường bước tiếp trên con đường sáng tạo thì quả thật tình yêu Ngọc Giao dành cho văn chương phải mãnh liệt vô cùng.
4. Không chỉ nhận ra điểm yếu trong sáng tác của một người viết trẻ như Ngọc Giao, trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan còn thể hiện thái độ phê bình rất thẳng thắn đối với nhiều nhà văn khác, kể cả nhạc phụ của ông - nhà văn Lê Dư (tức Sở Cuồng). Khảo hai quyển hợp tuyển của Lê Dư, Vũ Ngọc Phan cho rằng: “Quyển Nữ lưu văn học sử này cũng như quyển Nam quốc nữ lưu, biên giả xếp đặt không được thứ tự. (…). Vẫn biết trong một quyển sách hợp tuyển, các nhân vật ấy không liên lạc gì với nhau và mỗi bài tiểu sử về một nhân vật có thể coi là một bài độc lập, nhưng nếu đã thuật lại hay chép lại những việc đã qua không ai lại kể hay chép ngày thứ năm rồi mới đến thứ hai, ngày rằm rồi mới đến ngày mồng một (…). Biên tập hay ghi chép những việc đã qua, điều cốt nhất là phải có thứ tự”(13). Từ các khảo sát cụ thể như thế, Vũ Ngọc Phan có cơ sở để đi đến một nhận xét khái quát mà người đọc, chắc chắn phải nhận rằng nhà phê bình đã hết sức khách quan: “Sở Cuồng là một nhà văn học vấn uyên thâm có nhiều sáng kiến, có óc tìm tòi, nhưng ông là một nhà Hán học thuần túy, nên trong cách biên tập của ông người ta thấy thiếu hẳn phương pháp”(14). Ngay cả Nguyễn Tuân - nhà văn mà sau này nhiều người cho là một bậc thầy về ngôn từ - cũng không tránh khỏi có những chỗ chưa ổn dưới mắt Vũ Ngọc Phan. Ông cho rằng trong truyện Bữa rượu đầu lâu, Nguyễn Tuân tả cảnh pháp trường rất thiếu tự nhiên: “Cứ gì màu trời phải ảm đạm trong khi một linh hồn hay mấy linh hồn sắp lìa xác? Cái lối cố gò cho cảnh hợp với người ấy đôi khi làm giảm nghệ thuật đi nhiều”(15). Thậm chí, văn Nguyễn Tuân “có nhiều đoạn thật lê thê” vì “dầu không phải là tùy bút cũng ngả về tùy bút chẳng ít thì nhiều; ông lại không thể nào bỏ được cái lối phiếm luận, cái giọng khinh bạc bất cứ về việc gì”(16)... Cứ thế, người đọc không khó để tìm ra nhiều đoạn tương tự trong công trình phê bình của Vũ Ngọc Phan.
Tại sao Vũ Ngọc Phan lại có được thái độ khách quan, thẳng thắn như vậy trong phê bình văn học? Có lẽ trước tiên phải kể đến quan niệm về sứ mệnh cao cả của văn chương. Theo Vũ Ngọc Phan, “văn chương cần phải là thứ văn chương phụng sự quốc gia mới là thứ văn chương đáng quí. Tôi nói phụng sự quốc gia không phải là phụng sự quốc gia về đường chính trị đâu. Tôi muốn nói phụng sự một cách rộng hơn: phụng sự về đường tinh thần, nghĩa là văn chương cần phải là tấm gương phản chiếu của cuộc đời phức tạp của một dân tộc về đủ mọi phương diện”(17). Nhưng quan trọng hơn, thái độ đó xuất phát từ tâm thế của nhà phê bình. Từ cấu trúc của Nhà văn hiện đại, có thể thấy Vũ Ngọc Phan không phê bình theo “địa chỉ” mà nhìn tổng thể, không thụ động mà chủ động lựa chọn đối tượng. Đặc biệt, ông công bằng và công tâm, không thiên vị, phiến diện, không nể nang, né tránh, không nói “lấy lòng”... Bằng các phương pháp của khoa học thực chứng, ông thuyết phục người đọc bởi những dẫn chứng xác thực, đích đáng. Điều đó không chỉ toát lên sự tận tâm với nghề, mà còn cho thấy sự tự tin và thái độ sẵn sàng đối thoại của tác giả công trình. Dù đôi chỗ sau này có bị cho là “chi li, công thức”(18), thì cách làm đó của Vũ Ngọc Phan cũng đã có tác dụng rất lớn đối với người viết. Với một cây bút trẻ như Ngọc Giao, bài phê bình của Vũ Ngọc Phan có thể gây nên những cú “sốc” ban đầu, nhưng điều quan trọng là nó giúp cho nhà văn nhận ra chỗ non yếu của mình để tiếp tục trau dồi ngòi bút.
5. Nhìn rộng ra đời sống văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, người đọc cũng có thể thấy bản lĩnh vững vàng và tâm thế tự tin là tinh thần chung của nhiều nhà phê bình. Thạch Lam đã từng thẳng thắn nhận xét về Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách) - cuốn sách mà vào thời điểm xuất hiện (khoảng 1922-1925) đã được đông đảo người đọc, nhất là thanh niên sinh viên, yêu thích, coi là sách gối đầu giường, nhưng chỉ khoảng mươi năm sau, khi tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn xuất hiện, nó dần bị lãng quên: “Tố Tâm bị số phận đó vì cái nghệ thuật không vững bền, cuốn tâm lý tiểu thuyết ấy chỉ phân tích có cái tâm lý hời hợt bề ngoài, một thái độ của tâm hồn mà thôi (vì không chỉ có các “mốt” về quần áo nhà cửa; có cả những mốt về tình cảm nữa)(19). Còn đây là nhận xét của Thiếu Sơn về thơ Trần Tuấn Khải: “Thơ là cái hình-ảnh của sự-vật, thơ là cái tiếng-nói của trái-tim, mà ở ông Trần-tuấn-Khải, thì con mắt thi-nhân chỉ biết nhìn có cái cảnh-sắc của non-sông tổ-quốc, và trái-tim thi-sĩ cũng chỉ biết rung-động vì những nỗi tai-biến của xã-hội nhân-quần.
Vì những lẽ đó mà văn ông chỉ cảm người được về thời-thế, mà không hay đạt được nhân-tình; tả được những phong-cảnh bao-la bát-ngát, mà không vẽ được những bức thủy-mặc tinh-vi; “ngọn bút quan-hoài chỉ mới phát ra được tiếng khóc tang-thương, mà giấc mộng phù-sanh, còn chưa thiệt được ly-kỳ uyên-ảo”(20).
Qua Nhà văn hiện đại và một số tiểu luận - phê bình vừa kể, có thể hình dung phần nào chân dung của các nhà phê bình văn học đầu thế kỷ XX. Bức chân dung được hình thành từ những khối màu gắn kết là trí tuệ, sức đọc, vốn sống, thái độ nghiêm túc với nghề và nhất là bản lĩnh của người cầm bút. Nhìn chung, các nhà phê bình văn học đầu thế kỷ XX không ngại “chê”. Không kể những cuộc bút chiến của các nhà văn đối lập nhau về quan điểm xã hội, quan điểm thẩm mỹ, quan niệm sáng tác..., nhiều nhà phê bình trong giai đoạn này đã thể hiện rất rõ thái độ khách quan, khoa học, trung thực trong đánh giá sáng tác của nhà văn. Phải chăng, đó chính là những “chiếc roi” cho “con ngựa” sáng tác lồng lên, giúp cho văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, nhất là giai đoạn 1930-1945, đạt được nhiều thành tựu rực rỡ như chúng ta đã thấy. Do vậy, có thể xem đó là những phẩm chất của một nhà phê bình văn học chân chính, rất cần thiết cho sự phát triển của văn học.
Không chỉ tác động đến đời sống văn học đương thời, phê bình văn học đầu thế kỷ XX còn ảnh hưởng đến sự phát triển của nhà văn và văn học các giai đoạn sau. Cũng từ trường hợp Ngọc Giao, chúng tôi nhận ra điều này. Sau chặng mở đầu chỉ “chuyên viết một thứ truyện ngắn”, năm 1944, tiểu thuyết Nhà quê của Ngọc Giao do Hương Sơn xuất bản đã ra mắt công chúng. Từ sau cách mạng tháng Tám, ông cho ra đời liên tiếp các tiểu thuyết: Con người (Nxb Ngày Mai, 1947), Quán gió (Nxb Văn Hồng Thịnh, 1949; Nxb Hương Sơn tái bản, 1952), Đất (Tiểu thuyết cách mạng, Nxb “Cây-Thông”, 1950), Mưa thu (Nxb Trần Văn Huy, 1953), Cầu sương (Thiếp phụ chàng) (Nxb Tia Sáng, 1953), Xóm Rá (tiểu thuyết - phóng sự, sáng tác 1953), Xã Bèo - người của đất (tiếp theo tiểu thuyết Đất)… Với những thành tựu đó, ngày nay nhìn lại, người đọc sẽ nhận thấy tiểu thuyết mới là bộ phận quan trọng trong sáng tác của Ngọc Giao.
Bên cạnh việc nỗ lực chiếm lĩnh một thể loại mới và khó là tiểu thuyết, Ngọc Giao còn thử sức mình trong việc khai thác và thể hiện nhiều vấn đề mang tính thời sự - xã hội nóng bỏng, phức tạp. Từ sau 1945, tiểu thuyết không còn là thể loại mới mẻ trong nền văn học Việt Nam nhưng đối với một nhà văn từ trước đến nay chỉ chuyên viết một thứ truyện ngắn như Ngọc Giao, thì tiểu thuyết vẫn còn là mới.
Nhà quê (xuất bản 1944) là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Ngọc Giao. Đúng như tên gọi của nó, tác phẩm không chỉ thể hiện không gian thôn quê, mà còn có nhiều trang về “người nhà quê”. Đây là đề tài không hoàn toàn mới trong văn học, nhất là văn xuôi giai đoạn 1930-1945. Nhưng dễ dàng nhận thấy Ngọc Giao không chịu ảnh hưởng từ cách khái thác đề tài nhà quê trước đó, cả trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn lẫn văn xuôi của các nhà văn hiện thực. Bằng cái nhìn hiện thực khách quan và sâu sắc, qua Nhà quê, Ngọc Giao đã làm toát lên được cái hồn cốt của nông thôn không chỉ một thời mà của muôn đời. Đó là một môi trường sống vừa thuần hậu, nguyên sơ, vừa phức tạp với nhiều kiểu người, nhiều cách sống: giàu sang và nghèo đói, độc ác và tình nghĩa, keo kiệt và hào phóng, giản đơn và kỳ dị, phàm tục và thanh cao... Thậm chí, đôi khi, chúng được chứa đựng trong một con người, như Phó Năng chẳng hạn. Nhân vật này có thể được xem là “mẫu hình” của người nhà quê, của kiểu tính cách thôn quê. Người đọc cũng dễ dàng nhận ra ít nhiều hình bóng nhà văn trong nhân vật Thái. Tuy không được xây dựng như một biểu tượng của trí thức văn nghệ sĩ trước cách mạng tháng Tám như Khải trong Mực mài nước mắt của Lan Khai, Thứ trong Sống mòn của Nam Cao..., nhưng quá trình từ bỏ thành thị về sống ở nông thôn với người nhà quê đã tạo nên ở Thái một sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, thể hiện sự trăn trở của người trí thức trước cuộc đời. Sau rất nhiều biến cố xảy ra ở làng Dí Thượng mà Thái chứng kiến tận mắt và đôi khi tham dự bằng cả tấm lòng, cuối cùng “Thái nghĩ đến một quyển sách, ước ao có ngày viết được. Cuốn sách sẽ không là váng nước, bọt mưa lâu nay Thái thấy rất nhiều ở các thư quán. Cuốn sách phải là xương máu những cuộc đời”(21). Nhà quê không chỉ là đối tượng phản ánh mà còn là tiền đề đưa tới cho Thái, cho Ngọc Giao, những nhận thức mới mẻ về cuộc đời.
Cũng viết về nông thôn nhưng tiểu thuyết Đất tập trung vào một bối cảnh khác: không khí miền Bắc nước ta thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Bối cảnh lịch sử xã hội được miêu tả ở đây là cuộc tản cư kháng chiến của nông dân vùng tạm chiếm chống lại lần xâm lược thứ hai của thực dân Pháp. Tiểu thuyết của Ngọc Giao đã thể hiện sinh động và sâu sắc số phận con người trước một biến cố lớn của lịch sử. Qua cảnh ngộ và tâm trạng của Xã Bèo – nhân vật trung tâm của tác phẩm, nhà văn đã thể hiện tình yêu máu thịt của người nông dân với đất đai, nhà cửa, làng xóm, quê hương... và nỗi đau đớn khi phải lìa bỏ đất, làng, mưu sinh cực nhọc nơi đất khách quê người trong cảnh chiến tranh, loạn lạc. Có thể nói, Đất là một khám phá sâu sắc, mới lạ của Ngọc Giao về phẩm chất và thân phận của người nông dân.
Điều đáng lưu ý là, các tiểu thuyết của Ngọc Giao tuy dung lượng không lớn nhưng chất tiểu thuyết được thể hiện đậm nét, nhất là cách tiếp cận hiện thực. Trong Đất, bối cảnh chiến tranh gây nên cảnh ly tán, loạn lạc và nỗi khổ đau cho con người được tái hiện rất sinh động qua số phận và cảnh ngộ đầy éo le của Xã Bèo. Người nông dân này biết tin phải tản cư vào lúc vừa mới tậu thêm được một mảnh vườn sau nhiều năm nhịn nhục, chắt chiu. Những vất vả cực nhọc cộng thêm nỗi lo sợ đã khiến Xã Bèo phát ốm. Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, Xã Bèo cũng như những người nông dân khác ở làng Nguyệt Đức phải tự tay phá dỡ nhà cửa trong trạng thái gần như “phát điên lên”. Ra đi trong tình cảnh bao nhiêu công của phải để lại sau lưng, Xã Bèo không chỉ có nỗi tiếc của hoài công; mà còn khổ sở vì nhớ làng, nhớ đất. Ngoài nỗi chung, những tình riêng càng khiến cho Xã Bèo rối bời lo nghĩ: vợ đang bụng mang dạ chửa mà mẹ và vợ như “mặt trăng mặt trời cách trở”; vào cái đêm trước ngày ra đi, trong khi đào đất chôn vùi một số tài sản không thể đem theo được của gia đình, Xã Bèo còn cuốc phải hài nhi của đứa con chết yểu mấy năm về trước... Biết bao nhiêu nước mắt của Xã Bèo đã nhỏ xuống. Biết bao nhiêu là thứ tiếng khóc của đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ, khi nghẹn ngào, khi nức nở... đã cất lên: Chị Xã “khóc sưng cả mắt, khóc suốt đêm qua”(22), “bác Lý gái khóc rống lên như nhà có đám tang”(23), “Lý Còng ngồi thừ ra nhìn lửa cháy trên đất nhà mình, nước mắt ròng ròng rơi xuống má”(24)... Bởi vậy, dù không miêu tả trực diện cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp, tiểu thuyết của Ngọc Giao vẫn cho thấy chiến tranh là thứ tồi tệ nhất mà con người phải đối mặt và chịu đựng. Cách tiếp cận bản chất hiện thực từ góc độ đời tư như thế đã đem lại sức hấp dẫn bền lâu cho một thiên tiểu thuyết.
Văn phong trong tiểu thuyết của Ngọc Giao ngày càng già dặn, tự nhiên. Không còn những biểu hiện của việc đẽo gọt câu chữ một cách cầu kỳ, hình thức nữa, nhà văn coi trọng việc dùng chữ sao cho vừa đủ diễn tả sự việc, con người. Chú trọng thể hiện đời sống bên trong, Ngọc Giao đã xây dựng được những nhân vật tiểu thuyết với nội tâm phong phú, sâu sắc và diễn biến rất phức tạp. Có lẽ vì thế, đọc tiểu thuyết của Ngọc Giao, người đọc cảm thấy ông không lệ thuộc vào một định hướng nào về cách viết. Hiện thực đời sống đã được nhà văn miêu tả một cách chân thực, khách quan, trên tinh thần dân tộc và nhân bản sâu sắc.
Qua một số tiểu thuyết tiêu biểu của Ngọc Giao, có thể thấy hành trình sáng tác của ông là quá trình phấn đấu không mệt mỏi để khắc phục những giới hạn của ngòi bút. Bởi vậy, càng ngày tiểu thuyết của Ngọc Giao càng sâu sắc về tư tưởng và hấp dẫn về cách thể hiện. Rõ ràng, phê bình của Vũ Ngọc Phan đã có ý nghĩa định hướng quyết liệt đối với người sáng tác. Nhưng “định hướng” ở đây không có nghĩa là chỉ ra cho nhà văn một con đường cụ thể để đi tiếp, một cái đích cụ thể để hướng tới, mà giúp nhà văn nhận ra và vượt lên những giới hạn của mình. Định hướng như thế rõ ràng là rất “mở”, rất phù hợp với bản chất của sáng tạo nghệ thuật. Tất nhiên, cần phải thấy rằng hành trình từ truyện ngắn đến tiểu thuyết cũng là quá trình vận động hợp quy luật của sự trưởng thành ở người viết văn xuôi. Nhưng từ hành trình sáng tác bền bỉ, từ niềm đam mê văn chương mãnh liệt của Ngọc Giao, chúng tôi tin những bài phê bình như của Vũ Ngọc Phan đã có tác động không nhỏ.
6. Quan điểm và thái độ phê bình văn học của Vũ Ngọc Phan có lẽ rất cần được nhắc lại trong đời sống phê bình văn học hiện nay. Không kể những cuộc tranh luận nhiều khi không vì mục đích văn chương vẫn thỉnh thoảng diễn ra trên báo chí cho thấy nhiều thái độ/ quan điểm phê bình chưa đúng mực, thật hiếm thấy công trình phê bình nào mà người viết có cái nhìn bao quát về nền văn học/ bối cảnh văn học. Phần nhiều công trình, kể cả của các nhà phê bình chuyên nghiệp xuất hiện gần đây, đều chỉ là sự tập hợp các tiểu luận đã đăng rải rác. Do vậy, nó không cho thấy diện mạo/ cấu trúc tổng thể của một thể loại, một thế hệ hay một giai đoạn văn học. Thái độ phê bình còn thường hay nể nang, né tránh, rất ít khi chỉ ra các giới hạn của sáng tác hay của nhà văn một cách thật sự khách quan, thẳng thắn. Phê bình trên báo chí thường khen nhiều chê ít. Nhiều bài phê bình viết hời hợt, cảm tính, chỉ mang tính chất bình/ điểm/ giới thiệu sáng tác mới, thậm chí còn khen hơi quá lời. Không khí phê bình đó cộng với tâm lý “Văn mình vợ người” vẫn còn khá phổ biến đã dung dưỡng thái độ tự thỏa mãn với đứa con tinh thần của mình ở không ít người viết, nhất là người viết trẻ. Đó chính là trở ngại rất lớn trên con đường đi tới của nền văn học nước ta hiện nay. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, việc nghiên cứu lại quan điểm, thái độ, phương pháp phê bình của Vũ Ngọc Phan cũng như nhiều nhà phê bình văn học đầu thế kỷ XX để nhận ra và khắc phục những giới hạn của phê bình văn học hiện nay, theo tôi, là hết sức cần thiết.
_______________
Chú thích
(1) (2) (3) Vũ Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại, Tập I, Tái bản. Nxb Văn học, H., 1998, tr.7-8, 10, 14.
(4) Vũ Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại, Tập II, Tái bản. Nxb Văn học, H., 2005, tr.579.
(5) M. Bakhtin: Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch và giới thiệu), Bộ Văn hóa thông tin và thể thao - Trường Viết văn Nguyễn Du, H., 1992, tr.24.
(6) Theo Lê Huy Tiêu: Khi Lỗ Tấn cũng gặp sóng gió, Văn nghệ, số 7, ra ngày 15-2-2014, tr.10-11.
(7) (8) (9) (10) (11) (12) (13) (14) (15) (16) Vũ Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại, Tập II, Tái bản. Nxb Văn học, H., 2005, tr.581, 578, 582, 583, 579, 584, 257, 259, 461, 483.
(17)(18) Dẫn theo Nguyễn Thị Thanh Xuân: Phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (1900-1945), Nxb Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, 2004, tr.292, 293.
(19) Tuyển tập Thạch Lam, Nxb Văn học, H., 2002, tr.441.
(20) Thiếu Sơn: Phê - bình và Cảo - luận, Nam-Ký, H., 1933, tr.58.
(21) Ngọc Giao: Nhà quê, Tái bản có chỉnh lý. Nxb Hà Nội, H., 2011, tr.189.
(22), (23), (24) Ngọc Giao: Đất, Nxb Cây Thông, H., 1950, tr.51, 57, 59.
(Bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học, Số 8, 2017, tr. 63-72.)