Sách “Tri thức bản địa trong hoạt động nông nghiệp của người Thái ở Thanh Hóa" của PGS.TS Mai Văn Tùng

05/04/2023

Trong những thập kỷ vừa qua, PGS.TS Mai Văn Tùng có điều kiện điền dã nghiên cứu các tộc người ở khu vực miền núi Thanh Hóa, nhận thấy người Thái ở khu vực này không chỉ đông về dân số, có lịch sử cư trú lâu đời, có nền văn hoá  đặc sắc mà còn có cả một kho tàng tri thức dân gian trong hoạt động nông nghiệp, đặc biệt là những kinh nghiệm truyền thống trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và khai thác các nguồn lợi tự nhiên. Đó là nguồn tri thức bản địa được đúc kết từ chính trong quá trình lao động, góp phần giải quyết vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm nhưng ít làm tổn hại đến hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học. Từ nguồn tư liệu dân tộc học trong nghiên cứu thực địa, PGS.TS Mai Văn Tùng đã hệ thống thành công trình khoa học "Tri thức bản địa trong hoạt động nông nghiệp của người Thái ở Thanh Hóa". Đây là chuyên khảo có ý nghĩa trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn.

 

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202304/Images/tung1-20230405084234-e.jpg

 

Ngày nay, không chỉ giới khoa học mà các nhà quản lý cũng nhận thấy tầm quan trọng của tri thức bản địa đối với sự phát triển bền vững ở miền núi. Trong khi đó, hệ thống tri thức bản địa (tri thức địa phương, tri thức dân gian…) đang có chiều hướng bị xói mòn, bỏ quên. Không ít nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đa dạng sinh học, đa dạng văn hoá và tri thức địa phương luôn luôn có mối quan hệ qua lại và phụ thuộc lẫn nhau. Ví dụ, nạn phá rừng tại nhiều địa phương trước đây và hiện nay đã và đang làm xói mòn đất, làm mất nguồn cây thuốc quý, dồi dào trong thiên nhiên, kéo theo sự thất thoát nguồn tri thức bản địa có liên quan đến y học dân gian, thậm chí còn dẫn đến tình trạng mất hẳn những tri thức về cách sử dụng cây thuốc để chữa bệnh. Việc sử dụng rộng rãi phân hoá học và thuốc hoá học đã làm mất đi nhiều giống lúa địa phương mang gien kháng bệnh cao và thích nghi với môi trường khí hậu khắc nghiệt; mặt khác còn làm suy giảm nguồn thuỷ sinh như cá, tôm cua, ốc trên đồng ruộng… Do vậy, nếu chúng ta nhận thức và đánh giá đúng vai trò của tri thức bản địa thì chắc chắn sẽ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị của tri thức bản địa ở các tộc người nước ta nói chung và người Thái nói riêng.

Trong những thập kỷ vừa qua, PGS.TS Mai Văn Tùng có điều kiện điền dã nghiên cứu các tộc người ở khu vực miền núi Thanh Hóa, nhận thấy người Thái ở khu vực này không chỉ đông về dân số, có lịch sử cư trú lâu đời, có nền văn hoá  đặc sắc mà còn có cả một kho tàng tri thức dân gian trong hoạt động nông nghiệp, đặc biệt là những kinh nghiệm truyền thống trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và khai thác các nguồn lợi tự nhiên. Đó là nguồn tri thức bản địa được đúc kết từ chính trong quá trình lao động, góp phần giải quyết vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm nhưng ít làm tổn hại đến hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học. Có thể khẳng định, nguồn tri thức bản địa ấy vẫn còn rất hữu ích trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng cao hiện nay.

Từ nguồn tư liệu dân tộc học trong nghiên cứu thực địa, PGS.TS Mai Văn Tùng đã hệ thống thành công trình khoa học Tri thức bản địa trong hoạt động nông nghiệp của người Thái ở Thanh Hóa. Đây là chuyên khảo có ý nghĩa trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn. Ngoài các phần Mở đầu, Kết luận và kiến nghị, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, nội dung chính của cuốn sách gồm 5 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và tổng quan về địa bàn nghiên cứu

Chương 2: Tri thức bản địa của người Thái ở Thanh Hóa trong canh tác ruộng nước

Chương 3: Tri thức bản địa của người Thái ở Thanh Hóa trong canh tác nương rẫy

Chương 4: Tri thức bản địa của người Thái ở Thanh Hóa trong chăn nuôi và khai thác các nguồn lợi tự nhiên

Chương 5: Một số bàn luận về tri thức bản địa của người Thái ở Thanh Hóa

Về cơ bản, nội dung cuốn sách góp phần nhận thức đầy đủ hơn về kinh nghiệm, phong tục tập quán trong sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, trực tiếp là nguồn tài nguyên đất, nước, rừng và những kinh nghiệm canh tác nông nghiệp vùng đất dốc, kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản cũng như kinh nghiệm khai thác các nguồn lợi tự nhiên khác của người Thái ở Thanh Hóa.

Những tri thức tộc người trong hoạt động nông nghiệp được phân tích bước đầu trong tài liệu cho thấy tính thích nghi và thích ứng cao với điều kiện tự nhiên của người Thái ở khu vực miền núi Thanh Hóa. Đây là nguồn tài nguyên - di sản quan trọng của quốc gia dân tộc. Trong chiến lược phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới hiện nay ở Việt Nam, đặc biệt là với người Thái ở khu vực vùng sâu vùng xa, khu vực giáp biên điển hình như Quan Sơn, Quan Hóa, Lanh Chánh, Thường Xuân, cần có sự chia sẻ, bổ sung lẫn nhau giữa tri thức khoa học hiện đại và tri thức bản địa. Tri thức bản địa của các tộc người trong sản xuất nông nghiệp cần được bảo tồn và phát huy để giữ gìn sự đa dạng sinh học, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Đây là một giải pháp có tính khả thi không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn mang giá trị thực tiễn cao, góp phần định hướng đúng đắn chiến lược phát triển bền vững ở khu vực miền Tây Thanh Hóa nói riêng và khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam nói chung trong hiện tại và tương lai.

Tác giả

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN