11/03/2024
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Honoré de Balzac (1799-1850) là nhà văn hiện thực vĩ đại của nhân loại, M.Gorky (1868-1936) đặt Balzac ngang hàng với W. Shakespeare (1564-1616) của nước Anh và L.Tolstoy (1828-1910) của nước Nga. Nghiên cứu bộ Tấn trò đời của Balzac, các nhà nghiên cứu thường tập trung về cách đặt tên cho tác phẩm, cách “lập trình” trước cho các tác phẩm của mình theo một trật tự có sẵn trước khi tác phẩm ra đời, khối lượng tác phẩm, khối lượng nhân vật, nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, kiểu nhân vật “trở đi trở lại”... mà chưa chú ý một cách hệ thống về cách kết thúc tác phẩm của ông.
Tiến hành khảo sát một số tác phẩm tiêu biểu của Balzac, chúng tôi nhận thấy nhà văn có cách kết thúc tác phẩm khá ổn định theo hai dạng thức cơ bản. Bài viết này sẽ góp phần lí giải thêm về lí do tại sao nhắc đến chủ nghĩa hiện thực bất kì ai cũng chọn ngay cái tên Balzac. Hơn nữa, bạn đọc sẽ có thêm căn cứ để soi chiếu sang lối viết của các nhà văn khác cùng thời hoặc không cùng thời đại với ông.
2. KẾT THÚC TRUYỀN THỐNG VÀ CÁC DẠNG THỨC KẾT THÚC CƠ BẢN TRONG TÁC PHẨM CỦA BALZAC
2.1. Kết thúc truyền thống
Người kể chuyện “biết tuốt” (người kể chuyện toàn tri) là cách gọi tên khá quen thuộc cho kiểu kể chuyện đặc trưng của tác phẩm thuộc chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX trở về trước. Các nhà văn hiện thực khi lựa chọn kết thúc tác phẩm thường thì bao giờ cũng ấn định cho con đẻ của mình một kiểu kết thúc thể hiện rõ thái độ chủ quan của người viết bằng cách “lồng cái nhìn của nhà văn vào cái nhìn của từng nhân vật” [5; 98]. Hầu hết các tác phẩm hiện thực của Balzac khép lại đều bằng cái chết của nhân vật chính diện hoặc sự phê phán, lên án, tố cáo xã hội theo cách này hay cách khác. Nhà văn hoàn toàn nhập cuộc để phán xét, đánh giá. Độc giả khi tiếp nhận thường thụ động theo lối kết thúc đã được ấn định trước của tác giả. Balzac là nhà văn tiêu biểu cho kiểu kết thúc này. Do vậy, “ảnh hưởng của Balzac to lớn đến nỗi ngày nay khái niệm “truyền thống” có nghĩa là tiểu thuyết viết theo cách của Balzac” [5; 98].
2.2. Các dạng thức kết thúc cơ bản
2.2.1. Kết thúc bằng lối mặc định qua lời khẳng định, nhận xét, đánh giá của nhà văn về hiện thực được đưa ra trong tác phẩm.
Balzac là một trong những nhà văn được người đọc nhận diện dễ dàng nhất nét đặc trưng phong cách này. Dạng kết thúc này thể hiện rõ qua những tác phẩm của Balzac như: Kiệt tác không người biết (1831), EugÐnie Grandet (1833), Lão Goriot (1834), Gambara (1837)... Đọc tác phẩm của Balzac, độc giả không phải bận tâm nhiều về những dự đoán, suy luận cho số phận của nhân vật và ý đồ của nhà văn. Tác giả “ngang nhiên” bộc lộ rõ quan điểm, thái độ của mình qua cách chọn cho nhân vật chính một kiểu kết cục rõ ràng. Tất cả các nhân vật chính diện hoặc rơi vào bế tắc hoặc phải chết. Frenhoger- nhân vật người hoạ sĩ toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật hội hoạ, cuối cùng “đã chết trong đêm sau khi đốt các bức hoạ của mình” (Kiệt tác không người biết). Trong tác phẩm Gambara, Balzac đã sáng tạo nên một cốt truyện giản dị về nỗi đam mê của người nghệ sĩ và những bất hạnh theo đuổi anh ta: sự nghèo đói, gia đình tan nát, người đời thờ ơ. Kết thúc truyện là những giọt nước mắt của Gambara nhìn xuống đồng tiền vàng và mơ hồ nhớ lại những công trình thuở xưa. Vừa lau nước mắt nhà soạn nhạc nghèo khổ vừa lẩm bẩm câu “Nước là một thể bị đốt cháy”. Kết thúc này là sự phê phán một hiện thực đau buồn trong xã hội của Balzac: sự không thấu hiểu, sự cảm thông của người đương thời với những nghệ sĩ tài năng. Họ đành chấp nhận sự thua thiệt hiển nhiên, một định mệnh cay đắng dành cho người nghệ sĩ. Và dĩ nhiên, kết luận ấy ghi nhận một thực tế: người nghệ sĩ chưa thể có con đường đi nào sáng sủa, nghĩa là vẫn chưa có một tương lai tốt đẹp trong thời đại Balzac.
Với EugÐnie Grandet, thái độ “biết tuốt” của nhà văn càng trực diện hơn: “Mấy hôm nay, nhân dân Saumur lại bắt đầu nói đến việc EugÐnie tái giá. Người ta kháo với nhau về nàng và hầu tước De Phoroaphon; gia đình hầu tước bắt đầu bao vây nàng như gia đình Cruchot ngày trước... Nhưng không có gì sai bằng: cả mụ Nanon hộ pháp, lẫn lão Cocnoiet cũng không đủ sức thông minh để hiểu những cái thối tha của xã hội” [ 1; 274 ].
Điều đáng chú ý là, mặc dù thái độ “biết tuốt” in đậm nét trong cách kết thúc tác phẩm này nhưng thực sự chúng ta không thể phủ nhận những cố gắng, những nỗ lực tìm tòi đổi mới nghệ thuật của Balzac. Nhà văn cố mượn giọng điệu khách quan của người đứng ngoài cuộc để quan sát: “Mấy hôm nay, nhân dân Saumur lại bắt đầu nói... Người ta kháo với nhau về nàng...” nhưng sắc thái chủ quan lại vẫn lấn át, bao trùm và đưa tác phẩm vào quỹ đạo kết thúc quen thuộc mang hơi thở của Balzac, đó là lời khẳng định, bình luận “về cái thối tha của xã hội”. Người đọc có cảm tưởng Balzac- với tư cách nhà văn “biết tuốt” lại nóng lòng, sốt ruột không thể không nhảy vào đám đông đang bàn tán về nàng EugÐnie kia. Balzac lại sẵn sàng lột bỏ cái áo “khách quan” bên ngoài cố tạo dựng để hiện rõ con người bên trong luôn quan tâm đến số phận của những đứa con tinh thần.
Trong Lão Goriot, Rastignac- chàng sinh viên tỉnh lẻ tốt bụng duy nhất trong tác phẩm sau khi lo liệu đám tang cho lão Goriot, chỉ còn một mình, “chàng nhìn thấy thành phố
Bây giờ chỉ còn mày với ta!
Và để mở màn cho cuộc thách thức của mình với xã hội, chàng Rastignac đến dự bữa tối tại nhà phu nhân De Nucingen” [ 3;.68 ].
Vẫn ngôi thứ ba quen thuộc trong lối kể chuyện của Balzac, khoảng cách có vẻ khách quan của người kể chuyện và nhân vật Rastignac càng ngày càng bị xoá mờ. Nhà văn như hoà nhập đôi chân của mình theo từng bước đi của nhân vật qua bốn chặng cơ bản. Chặng một là vẻ đẹp của Rastignac khi chưa bị xã hội đồng tiền tha hoá. Chặng hai là ánh mắt không thoát khỏi sức cảm dỗ của xã hội thượng lưu. Chặng ba là sự nỗ lực vượt mình, bứt phá khỏi cám dỗ: “Bây giờ, chỉ còn mày với ta” như là sự phân chia chiến tuyến Tốt- Xấu, Thiện- Ác. Chặng bốn là sự quy phục trước sức cám dỗ của xã hội thượng lưu, đôi chân của Rastignac cuối cũng vẫn bước tới nhà phu nhân De Nucingen. Tác giả hơn một lẫn cố gắng giữ giọng điệu miêu tả khách quan nhưng ngôn từ vẫn là lời khẳng định rõ ràng về sức công phá mạnh mẽ của xã hội đồng tiền. Rastignac đã từng chứng kiến số phận, cái chết của Goriot- cha của phu nhân De Nucingen, từng được biết rõ bản tính lạnh lùng, tàn nhẫn coi tiền vàng là trên hết của người đàn bà này. Ấy thể mà cuối cùng chàng cũng không dứt ra khỏi ma lực của con người thuộc xã hội thượng lưu xấu xa ấy. Trí tò mò của người đọc đựơc thôi thúc phần nào qua các chặng miêu tả tâm lý của Rastignac nhưng rồi cuối cùng vẫn được nhà văn ấn cho một đáp số, một lựa chọn duy nhất về số phận nhân vật, về th¸i độ của mình qua phần kết thúc tác phẩm.
Tiến hành khảo sát tác phẩm thuộc dạng thức thứ nhất, chúng ta sẽ dễ dàng có những cảm nhận và kết luận tương tự một số tác phẩm được chọn trên đây. Hầu hết những kết thúc này đều cho độc giả một đáp án, một giải pháp, một kết cục không bất ngờ, không gây sửng sốt và không khó lý giải. Đây là một dạng phổ biến cho kết thúc truyền thống của người kể chuyện “biết tuốt” kiểu Balzac. Người đọc hoàn toàn thưởng thức món ăn tinh thần theo lối được bày sẵn, không có cơ hội bày tỏ chính kiến riêng. Nhà văn không ngần ngại đưa ra quan điểm, thái độ chủ quan buộc độc giả phải tiếp nhận. Cách kết thúc này giúp bạn đọc có vẻ “yên tâm” nhận ra ý đồ của người kể chuyện nhưng không có cơ hội đồng sáng tạo với nhà văn.
2.2.2. Kết thúc bằng những lời đối thoại hoặc phát ngôn gián tiếp, có vẻ khách quan của người kể chuyện.
Như đã nói, Balzac mặc dù độc tôn với kiểu “biết tuốt” trong lối kể chuyện cũng như kết thúc tác phẩm nhưng vẫn luôn trăn trở với trách nhiệm của nhà văn chân chính : không ngừng tìm tòi những đổi mới nghệ thuật cho tác phẩm. Dạng thức thứ hai là sự ghi nhận cho những nỗ lực ấy của nhà văn Balzac. Hầu hết các tác phẩm thuộc dạng thức này như Thuốc trường sinh (1830), JÐsus Christ ở Flande (1830-1831), Miếng da lừa (1831), Melmoth quy thiện (1835),... đều có cách kết thúc để cho bạn đọc có thể nhập cuộc qua chút suy luận từ những dòng đối thoại, hoặc một phát ngôn khái quát mang tính đúc kết. Bạn đọc không phải là đối tượng được nghe người kể chuyện kể lại số phận của nhân vật. Đây cũng là một dạng người đọc đồng sáng tạo của nhà văn - một trong những nét đổi mới trong quan niệm về nhà văn - tác phẩm và bạn đọc từ thế kỉ XIX. Tuy nhiên, khảo sát cụ thể qua một số kết thúc tác phẩm của Balzac, người đọc vẫn thấy bóng dáng người kể chuyện - nhà văn luôn thấp thoáng song hành.
Trong Miếng da lừa, khép lại tác phẩm lẽ ra có thể dừng lại ở phần III với cái chết của Raphael- nhân vật trung tâm của tác phẩm. Nhưng nhà văn lại thêm một phần kết luận khoảng hai trang với những lời đối thoại giữa độc giả (ẩn) và người kể chuyện (ẩn) về số phận của hai nhân vật nữ liên quan đến Raphael là Pauline và Fedora. Sau phần thoại khá dài, chốt lại là lời bàn luận về Fedora:
“-Được, tôi hiểu rồi, Pauline đã vậy. Còn Fedora thì sao?
Chà! Fedora à, anh sẽ gặp nàng. Đêm qua nàng ở rạp Bouffons, tối nay nàng sẽ tới Viện ca kịch, ở đâu cũng thấy nàng, nếu anh muốn, nàng chính là cái Xã hội này” [ 2;310 ]
So với dạng thức thứ nhất, dạng thứ hai kết thúc khá lạ. Bóng dáng nhà văn với tư cách người kể chuyện hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là cuộc trò chuyện không dứt giữa độc giả và người kể chuyện khách quan. Rõ ràng, đây là lối kết thúc mới, lạ so với đặc trưng phong cách nghệ thuật kể chuyện của Balzac. Người đọc buộc phải đồng sáng tạo. Người đọc buộc phải suy luận, phán đoán, phân tích để có được cách hiểu. Tuy nhiên, nếu bạn đọc tỉnh táo sẽ thấy một điều rằng, mặc dù cố gắng tạo ra một cách kết thúc mới nhưng Balzac vẫn là Balzac. Bởi lẽ, cụm từ cuối cùng “nàng chính là cái Xã hội này” là một phát ngôn khẳng định chắc chắn, người đọc không hoàn toàn còn cơ hội nhập cuộc. Nhưng “Xã hội này” (Xã hội được viết hoa có dụng ý) là xã hội nào? Người đọc chỉ làm một phép suy luận logic giản đơn có thể nhận thấy thái độ chủ quan của nhà văn Èn sau phát ngôn bề ngoài có vẻ ám chỉ đó. Phần I của truyện có tên là Người đàn bà không tim để chỉ Fedora, một mẫu người tiêu biểu của xã hội thượng lưu lạnh lùng, tàn nhẫn. Vậy thì Fedora là cách nói ẩn dụ chỉ xã hội của những con người không có trái tim, tình nghĩa. Ở đó, con người ta chỉ đối xử với nhau qua mức độ nặng nhẹ của đồng tiền và lối ăn chơi xa hoa, hình thức. Độc giả không có nhiều phương án để lựa chọn, phán đoán. Một đáp số duy nhất đã được mặc định. Balzac lại vẫn rất Balzac!
Hay trong Thuốc trường sinh cũng vậy. Don Juan sau khi biết được bí mật của lọ thuốc trường sinh, hắn giết chết cha nhưng cái đầu của cha hắn vẫn còn sống do đã có thuốc trường sinh giỏ vào. Trong lúc đám tang của người cha đang tiến hành thì “cái đầu đang sống ấy bật ra khỏi cơ thể đã chết và rơi xuống chiếc sọ màu vàng của viên chủ tang lễ.
- Mày hãy nhớ tới Dona Elvire! Cái đầu vừa kêu vừa cắn ngập vào sọ của tu viện trưởng.
Đức Cha bật ra một tiếng kêu khủng khiếp làm rối loạn buổi lễ. Tất cả các linh mục đều chạy đến, xúm xít bên cạnh vị chủ tế của họ.
- Đồ ngốc, mày hãy nói xem có một vị Chúa hay không nào? Tiếng nói lại hét lên vào lúc mà tu viện trưởng bị cắn ngập vào óc, sắp tắt thở” [4;347]
Ở đây, cách kết thúc có vẻ đi chệch ra khỏi quỹ đạo đặc trưng của Balzac, dường như tác phẩm không chỉ có một đáp án, một sự lựa chọn. Bởi lẽ, theo trật tự logic, người đọc đang quan tâm đến số phận của Don Juan con nhưng người kể chuyện lại không cho biết kết cục số phận ấy sống, chết thế nào mà lại quay sang chi tiết “xác chết chưa chết giết chết tu viện trưởng”... Tư tưởng chủ đề có sự lệch lạc chăng? Có rất nhiều cách lí giải và cách hiểu cho kết thúc này, nhưng thực ra, theo chúng tôi, ngay trong khi chọn giải pháp “đánh lạc tình huống” để đổi mới lối viết vẫn hiện ra ý tưởng chủ quan quen thuộc của tác giả. Balzac tố cáo xã hội với đầy rẫy những xấu xa, bạc tình, bạc nghĩa, tham lam... như Don Juan. Và có lẽ, thông điệp mà nhà văn muốn đưa ra ở tác phẩm này là sự phản ánh một hiện thực khách quan đang phơi bày trong xã hội Pháp thế kỉ XIX: cái Xấu, cái Ác chưa thể bị tiêu diệt. Do vậy, trong hệ thống sáng tác của ông, cái chết đều dành cho những nhân vật chính diện, tốt bụng, còn chút thiên lương, còn sự sống luôn được dành cho số nhân vật là những kẻ tàn ác, xấu xa, nhơ bẩn... Vì thế, giá trị phản ánh hiện thực, phê phán, tố cáo xã hội trong các sáng tác của Balzac trở nên phổ biến. Bằng cách nhận diện đặc trưng này, độc giả dễ dàng nhận diện thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm trong tác phẩm.
Hay với một số tác phẩm khác như Melmoth quy thiện, JÐsus Christ ở Flande..., độc giả có thể tìm thấy kết luận tương tự. Nghĩa là, dù cách này hay cách khác, được khoác bởi vẻ áo ngoài có những cách tân thì bên trong vẫn là lối xử lí nghệ thuật rất truyền thống, rất quen thuộc và rất Balzac.
3. Kết luận
Như vậy, trong quá trình sáng tác, nhà văn luôn cố gắng tìm tòi đổi mới nghệ thuật nhưng người đọc vẫn nhận ra một kiểu kết thúc tác phẩm rất Balzac: kết thúc theo kiểu truyền thống của chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX. Đến mức, không phải ngẫu nhiên mà sau này, một số trào lưu văn học mới ra đời muốn đánh đổ chủ nghĩa hiện thực cho rằng chỉ cần đạp đổ được thành trì Balzac là đủ.
“Sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực, nhất là giai đoạn phát triển cao nhất của nó ở thế kỉ XIX, đã bổ sung thêm cho văn học những hình thức kể chuyện mới. Ngay trong những tác phẩm không có “tôi”, “chúng tôi” đứng ra kể, chủ quan của người viết vẫn bộc lộ rất rõ. Do nhu cầu khách quan hoá của phương pháp hiện thực, sắc thái chủ quan của tác giả được nguỵ trang bằng nhiều cách khác nhau...” [5;1340]. Do vậy, lối kể chuyện “biết tuốt” và lối kết thúc cũng “biết tuốt” của Balzac mang một dấu ấn đậm nét, nổi trội của chủ nghĩa hiện thực. Với kết thúc đặc trưng ấy, Balzac một lần nữa không chỉ tạo dựng cho mình một phong cách nghệ thuật riêng mà còn minh chứng cho sự nỗ lực vượt mình của nhà văn. Dù rằng, mọi cố gắng của ông cuối cũng vẫn là sự khẳng định kiểu nghệ thuật truyền thống mà Balzac luôn ở vai trò chủ soái, khó thay đổi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. O. Banzăc, Ơgiêni Grăngđê (Huỳnh Lý dịch), NXB Văn học, H.2004
[2] Balzac, Tấn trò đời (Tập 15) (Nhiều người dịch), NXB Thế giới, H.2001
[3] Honoré de Balzac, Lão Goriot, Lê Huy Bắc biên soạn, NXB ĐHQG, H.2001
[4] Lê Nguyên Cẩn, Cái kì ảo trong tác phẩm Balzac, NXB ĐHSP, H.2003
[5] Nhiều tác giả, Từ điển văn học (Bộ mới), NXB Thế giới, H.2004
THE WAY OF LITERARY WORK FINISHING OF BALZAC
Nguyen Thi Hanh
Faculty of Social Sciences,
Balzac has been known by the world with Human Comedy and he was a commander – in chief of reality literary trend in 19th century. Although he had some new things about art of writing, he was still an author of traditional reality trend. By research of many his literary works, we realize that all of them have only a way of finishing, it is denoted by two basic formats: or by default (the author often gives a direct statement or an answer and the readers don’t have to give own points) or by indirect statements (the reader can have to think about things which are given by author).
(Bài đã đăng Tạp chí Khoa học Trường ĐH Hồng Đức số 3, tháng 12/2009)