Đặc điểm ngụ ngôn trong "Ngụ ngôn nhỏ" và "Trước cửa pháp luật" của Franz Kafka

27/01/2024

Franz Kafka, một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của thế kỉ XX, sáng tác và thành công ở nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện cực ngắn, nhật kí... Tác phẩm của ông khó hiểu và gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu phê bình và bạn đọc trong suốt hơn một thế kỉ qua. Đa phần người ta thường cho rằng, hầu hết các sáng tác của Kafka thể hiện cái nhìn đầy bi quan của nhà văn về thân phận con người và cuộc đời. Tìm hiểu hai truyện ngắn, Ngụ ngôn nhỏ và Trước cửa pháp luật, chúng tôi nhận thấy không hoàn toàn như vậy. Đằng sau việc làm hiện đại hoá hình thức văn chương cổ xưa - truyện ngụ ngôn là cách nhà văn đề xuất, gợi mở cho con người một giải pháp để thay đổi cuộc đời, số phận bằng tư tưởng tích cực và thái độ sống lạc quan.

 

 

                                   TS. Nguyễn Thị Hạnh - Trường Đại học Hồng Đức

                                                                                               

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Franz Kafka (1883-1924) là nhà văn có tầm ảnh hưởng lớn đến văn chương nhân loại trong suốt nửa sau của thế kỉ XX đến nay. Ông được xem là “nhà văn phức tạp bậc nhất thế giới. Nghệ thuật của ông đã thâu tóm trong nó gần như mọi linh hồn của thời đại” (1; 7). Sự phức tạp và khó hiểu ấy có mặt trong khắp các sáng tác của ông. Suốt hơn một thế kỉ nay, người ta thường chỉ ra và gọi tên thái độ của nhà văn là cái nhìn đầy bi quan sâu sắc về thân phận và cuộc đời con người. Đặc biệt, với thể loại truyện ngắn và cực ngắn của Kafka, lâu nay người ta thường bàn nhiều về Làng gần nhất, Thông điệp của hoàng đế, Người cưỡi xô... hầu hết với tư cách là những tác phẩm độc lập. Bằng phương pháp khảo sát so sánh trong hệ thống tác phẩm cùng thể loại, cùng phương pháp phân tích tổng hợp khi nghiên cứu, tìm hiểu Ngụ ngôn nhỏTrước cửa pháp luật, chúng tôi nhận thấy có một mạch chảy ngầm xuyên suốt hai tác phẩm: một kiểu ngụ ngôn đậm chất Kafka vừa truyền thống vừa hiện đại mà đằng sau nó là thái độ tích cực của nhà văn khi đề xuất giải pháp cho vấn đề thân phận con người. Từ đó, hy vọng bài viết sẽ giúp cho sinh viên ngành Ngữ văn và những ai quan tâm đến văn học thế kỉ XX nói chung cũng như tác phẩm của Kafka nói riêng có thêm một cách kiến giải mới.

2. NGỤ NGÔN NHỎTRƯỚC CỬA PHÁP LUẬT - TRUYỆN NGỤ NGÔN HIỆN ĐẠI ĐẬM CHẤT NHÂN VĂN

2.1. Cấu trúc ngụ ngôn hiện đại

“Ngụ ngôn là một kiểu truyện phúng dụ bằng thơ hoặc văn xuôi rất ngắn mang nội dung giáo dục đạo đức... Cốt truyện ngụ ngôn ngắn, hàm súc, giàu sức biểu hiện, bộc lộ bản chất của đối tượng...” (3; 386). Ngụ ngôn là một trong những thể loại tự sự cổ xưa nhất. Nó xuất hiện trước công nguyên trong kho tàng văn hoá các dân tộc như Hi Lạp, Ấn Độ, Ai Cập, Trung Hoa. Do tính chất, đối tượng và chức năng của nó, đặc điểm cấu trúc của ngụ ngôn hầu như không biến đổi trong suốt quá trình lịch sử. Đưa ra vấn đề thuộc về thời hiện đại, thân phận con người trong thời đại của Kafka, nhà văn sử dụng thể loại cổ xưa trước hết chứng tỏ người viết có một sự phá cách táo bạo và đầy bản lĩnh, sau nữa là một minh chứng cho sự mở đường của những giọng điệu mới trên cơ sở kế thừa thể loại văn học cũ.

Thông thường, cấu trúc truyện ngụ ngôn chia làm hai phần: phần thứ nhất truyền đạt một hiện tượng hay nhân vật, sự kiện gây cười: phần thứ hai là bài học đạo đức. Nhiều tác phẩm phần hai bị lược đi, bài học tự nó toát ra ở cốt truyện. Cấu trúc của Ngụ ngôn nhỏTrước cửa pháp luật thoạt tiên cũng tuân thủ theo đặc điểm này, vừa truyền đạt sự kiện, nhân vật vừa để cho người đọc tự rút ra bài học đằng sau câu chuyện được kể, nhưng lại khác ở chỗ câu chuyện không hề buồn cười mà đầy không khí bi đát. Ngụ ngôn nhỏ kể về con chuột do sợ hãi thế giới rộng lớn nên chạy mãi để tìm đường đi, cuối cùng con đường hẹp mà chuột ta tìm thấy lại là con đường dẫn đến chỗ chết. Và trước khi chết, chuột được mèo dành cho lời khuyên: “Mày chỉ cần đổi hướng”. Còn Trước cửa pháp luật bắt đầu bằng câu chuyện về một người từ miệt quê muốn bước vào cánh cửa pháp luật nhưng tên gác cửa không cho phép. Người ấy kiên nhẫn chờ đợi và nhẫn nại hối lộ gã. Gã nhận và bảo nhận là để cho người nông dân ấy yên tâm vì nghĩ rằng mình đã làm hết sức. Gã không cho người này vào vì theo gã đằng sau cánh cửa này còn nhiều cánh cửa khác. Cứ mỗi cánh cửa ấy lại có một gã khác còn dữ tợn hơn canh gác. Do vậy, người dân quê cứ đợi mãi cho đến khi tuổi già đến và đợi thần chết. Phần kết khép lại câu chuyện bằng lời của gã gác cửa cho biết lí do vì sao suốt chừng ấy năm mà không ai đến đó: “Chẳng một ai khác được phép vào đây, bởi vì cánh cửa này được làm ra chỉ để dành cho mày. Bây giờ tao sẽ đóng lại.”

Nhìn vào cấu trúc trên, chúng ta nhận thấy, cả hai truyện đều được nhà văn cấu trúc khá giống nhau. Phần đầu là hành trình tìm đích đến của hai nhân vật (chuột tìm đường hẹp hơn để tránh nỗi sợ hãi, người dân quê tìm đến cửa Pháp luật). Phần kết là lời đáp của nhân vật đại diện cho thế lực, quyền uy chỉ cho nhân vật tìm đích biết trước cái chết đến với họ là một tất yếu không tránh được. Cấu trúc ấy được tái hiện bằng dung lượng không dài, nhất là Ngụ ngôn nhỏ rất phù hợp cho hình thức ngắn của thể loại ngụ ngôn. Tuy  không có bài học rút ra trực tiếp nhưng ngầm ẩn trong đó một thông điệp lớn đã được Kafka đặt ra đồng thời ở cả hai truyện. Thân phận con người, một vấn đề luôn trở đi trở lại trong tất cả các sáng tác của nhà văn, được hiểu theo hai hướng khác nhau: hoặc là bi quan hoặc là lạc quan. Cách hiểu thứ nhất có thể là: Con người dù có nỗ lực thế nào đi chăng nữa thì cái chết luôn đón đợi sẵn anh ta ở cuối con đường nên không có gì phải nỗ lực, phấn đấu vươn lên. Cách hiểu thứ hai là: Con người vì không dám dũng cảm đối mặt với hiện thực để tìm cách vượt qua nên phải chấp nhận  cái chết. Nếu hiểu theo cách thứ nhất sẽ là cái nhìn bi quan của con người bất lực. Nếu hiểu theo cách thứ hai, nghĩa là nhà văn đề xuất giải pháp hành động cho con người. Truyện của Kafka thường gợi mở rất nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí trái chiều nhau. Hai tác phẩm này cũng vậy. Vấn đề đặt ra là, nếu đặt tác phẩm trong tương quan với hình thức thể loại được lựa chọn: dưới cái nhìn từ cấu trúc và giọng điệu của truyện ngụ ngôn, người đọc sẽ có thêm chìa khoá để giải mã vấn đề mà nhà văn dường như muốn đề xuất. (Chúng tôi vẫn nhấn mạnh là “dường như” bởi văn chương của Kafka không bao giờ có một cách hiểu duy nhất).

Bên cạnh đó, cách đặt vấn đề và kết thúc vấn đề của nhà văn trong hai truyện ngắn  đều giống nhau. Cả người dân quê (Trước cửa pháp luật) và con chuột (Ngụ ngôn nhỏ) đều cố gắng hết sức mình bằng cách này hay cách khác để cố đạt được mục đích trong cuộc đời nhưng rốt cục tất thảy đều chết. Và họ được lí giải về kết cục ấy khá giống nhau. Người dân quê được gã  gác cửa cho biết: “Chẳng một ai khác được phép vào đây, bởi vì cánh cửa này được làm ra chỉ để dành cho mày. Bây giờ tao sẽ đóng lại.”. Nghĩa là trước sau gì ông ta cũng phải chết. Cuộc đời của ông ta đã được ấn định trước. Con chuột lại được mèo chỉ rõ và vạch hướng đi để tránh khỏi cái chết thì cần phải đổi hướng. Nghĩa là chuột kia không còn con đường sống nào khác, bởi xuất phát từ nỗi sợ hãi trước thế giới rộng lớn đến vô cùng nên chuột phải tìm con đường đi nhỏ hẹp hơn, giờ đây nếu đổi hướng đi ngược lại thì chuột phải chấp nhận sống trong sợ hãi. Sống như thế chẳng khác nào chết. Không có con đường đi nào tốt đẹp. Một vòng tròn cho cuộc sống bi kịch đã được giăng mắc sẵn cho tất thảy ai tồn tại trong nó. Không theo kiểu “nước đôi” đặc trưng của Kafka, câu kết khẳng định một cách rõ ràng, cụ thể: con người không có sự lựa chọn nào cho mình ngoài cái chết. Đây là một cách kết thúc không phổ biến trong hệ thống các tác phẩm của Kafka. Đa phần, kết thúc tác phẩm của ông là lối kết thúc mở. Người đọc “nhập cuộc” với rất nhiều tranh cãi khác nhau. Mỗi người hiểu theo một cách khác nhau và cách nào dường như cũng có lí. Nhà văn hiếm khi ấn định cho tác phẩm bằng lối kết thúc khép. Đọc Biến dạng, Lâu đài, Hang ổ, Con thú tuyệt vời, Người canh gác, Thanh gươm cổ, Thông điệp của hoàng đế, Về dụ ngôn..., độc giả nhiều khi cảm giác hoang mang vì không hiểu nhà văn muốn gửi gắm thông điệp gì đằng sau kết thúc mở ấy. Nhưng với Ngụ ngôn nhỏTrước cửa pháp luật thì khác hẳn. Một đáp số như kiểu kết thúc truyền thống của Balzac được hiện ra. Thay vì những băn khoăn vì sự mơ hồ, khó hiểu thường thấy, tác giả đã cho bạn đọc biết một lời khẳng định chắc chắn về số phận của nhân vật. Một cái nhìn đầy bi quan về thân phận con người vốn được đặt ra trong nhiều tác phẩm của Kafka, lại một lần nữa được hiện diện qua hai truyện ngắn mang sắc màu của truyện ngụ ngôn cổ xưa. Vấn đề mang tính thời sự của thế kỉ XX: nỗi âu lo và cái chết được báo trước của con người được thể hiện dưới dạng một câu chuyện mang hình thức cổ xưa càng làm tăng độ sâu sắc cho triết lí về con người và cuộc đời. Thì ra cái chết của con người không phải vì cuộc đời tạo nên mà do chính bản thân họ không đủ bản lĩnh, lòng dũng cảm để đối diện với thực tế khách quan mà bước qua.

Như vậy, hình thức thể loại ngụ ngôn không gợi ra nỗi ám ảnh về cái nhìn mang màu sắc bi quan quen thuộc thường thấy trong sáng tác của nhà văn người Tiệp gốc Do Thái này. Bởi truyện ngụ ngôn bao giờ cũng đúc rút một bài học kinh nghiệm về lẽ sống với một thái độ sống tích cực tràn đầy lạc quan. Cho nên, rõ ràng là Ngụ ngôn nhỏTrước cửa pháp luật thiên về lối đề xuất tích cực, con người phải biết đối mặt với hiện thực, dù hiện thực ấy chứa đầy hiểm nguy hay nỗi sợ hãi, để vươn lên.

2.2. Giọng kể ngụ ngôn hiện đại

Nếu Balzac được xem là nhà văn đại diện cho văn chương viết theo lối truyền thống thì Kafka được xem là nhà văn có nhiều cách tân về nghệ thuật, mang hơi thở văn chương đặc trưng cho thế kỉ XX và đặt nền móng cho lối viết Hậu hiện đại sau này. Chính lối viết với giọng kể lạ là một trong những nguyên do làm nên một Kafka khó hiểu, phức tạp và “có vấn đề”. Sử dụng thể loại truyện ngụ ngôn - một thể loại cổ xưa nhưng giọng điệu, ngôi kể lại được sử dụng rất linh hoạt và rất hiện đại.

Ngụ ngôn nhỏ là một truyện cực ngắn chưa đầy 100 chữ (theo bản dịch Tiếng Việt của Lê Huy Bắc) được kể lại có vẻ rất đơn giản: “Chao ôi”, chuột nói, “thế giới đang ngày càng nhỏ bé hơn. Thoạt kì thuỷ, thế giới rộng lớn đến nỗi tôi sợ hãi, cứ chạy mãi rồi tôi mừng vì cuối cùng tôi nhìn thấy từ xa các bức tường bên phải và bên trái, song những bức tường dài này thu hẹp lại nhanh đến mức tôi lọt thỏm vào căn phong cuối cùng và ở đó, ngay góc phòng một cái bẫy chờ sẵn mà tôi phải chui vào”. “Mày chỉ cần đổi hướng”, mèo nói rồi chén sạch chuột. (1; 336).

Câu chuyện bắt đầu bằng một nét đặc sắc nghệ thuật của Kafka. Sử dụng hình thức ngụ ngôn nhưng nhà văn khéo léo thay đổi giọng điệu và ngôn ngữ kể chuyện. Thay vì giọng kể của người kể chuyện ở ngôi thứ ba như trong các truyện ngụ ngôn, tác giả của Ngụ ngôn nhỏ  lại dùng lời trực tiếp của nhân vật để dẫn truyện: “Chao ôi”, chuột nói”. Mở đầu bằng một tiếng than dường như là cách để tác phẩm dự báo trước nội dung và kết cục cho câu chuyện cũng như số phận nhân vật. Sau tiếng than mở đầu có vẻ khác lạ so với chuỗi sáng tác của ông, lối kể chuyện bằng một câu mang tính luận đề giống như trong Làng gần nhất lại được sử dụng: “thế giới đang ngày càng nhỏ bé hơn.”. Đây là một nhận định mang dạng thức phổ quát nửa có dạng như tiên đề không cần chứng minh nửa chừng lại như muốn đi chứng minh nó. Vậy nên câu tiếp theo phần nào đã minh chứng làm rõ cho luận đề trên: “Thoạt kì thuỷ, thế giới rộng lớn... nhìn thấy từ xa các bức tường bên phải và bên trái ...thu hẹp lại ...lọt vào căn phòng cuối cùng ...góc phòng ...một cái bẫy chờ sẵn”. Hành trình mà con chuột đã trải qua là một trải nghiệm đủ để minh chứng cho sự thu nhỏ của thế giới qua tầm mắt của nó. Ở đây xuất hiện hàng loạt các biểu tượng vốn rất hay được sử dụng trong văn chương của Kafka. Con chuột là một ẩn dụ để chỉ con người. Hành trình hay con đường mà con chuột đã chạy qua là biểu tượng cho cuộc đời con người. “Cái bẫy” biểu tượng cho địa ngục trần gian, cho cái chết. Bằng sự xâu chuỗi những biểu tượng này, vấn đề về con người được nhìn qua số phận một con chuột càng trở nên ảm đạm, bi đát hơn.

Tước bỏ đi lối kể quen thuộc của ngụ ngôn truyền thống là cách làm mới một thể loại văn chương tưởng chừng quá xưa cũ, đồng thời cũng là một dụng ý của nhà văn. Truyện chỉ có ba câu, nếu câu đầu và câu cuối là những câu đơn giản, ngắn gọn thì câu thứ hai chiếm tới 80% tổng số lượng con chữ của truyện. Sử dụng kiểu câu dài, phức hợp bất thường trong tương quan với các câu trước và sau nó đã thâu tóm toàn bộ chặng đường mà con chuột đã trải qua. Hình thức câu dài khiến người đọc tưởng như hụt hơi ấy tôn tạo thêm con đường dài mà chuột đi như dài thêm mãi càng khắc sâu thêm nỗi khắc khoải của con chuột khi đối mặt với cái chết. Người ta có cảm giác câu văn dài trở thành bức tranh vẽ con đường đi của con chuột không khác gì một hang ổ dài hun hút. Kafka thường hay đặt nhân vật của mình vào những con đường hoặc mang tính mê lộ (đi mãi mà không biết lối ra) hoặc như một hang ổ tăm tối kéo dài không có đích. Đằng nào nhân vật cũng chết trong những con đường ấy. Ngụ ngôn nhỏ  là một dạng như thế. Câu chuyện được kể có thể dừng lại ở chi tiết và cũng là sự kiện quan trọng “... một cái bẫy chờ sẵn mà tôi phải chui vào”. Số phận con chuột được định đoạt. Nếu dừng ở đây, vấn đề thân phận con người vẫn được đề cập nhưng rõ ràng mức độ nhấn mạnh sự bi đát sâu sắc khi con người buông xuôi sẽ không đạt được. Bằng việc sử dụng lối kể chuyện gián tiếp xen lẫn trực tiếp, nhà văn đã khéo léo đưa thêm lời của mèo vào cuối câu chuyện càng chỉ ra sự bi đát đến tận cùng của một kiếp người. Con người trong cuộc đời không có sự lựa chọn cho tương lai, mục đích của mình là một bi kịch lớn. Bi kịch ấy còn lớn hơn khi mà con người tránh né hiện thực để tìm một con đường đi khác mà cứ tưởng rằng đó mới chính là mục đích, khát vọng lớn của đời mình song thực chất lại là con đường dẫn đến cái chết. Con chuột trong câu chuyện rơi vào bi kịch đau đớn ấy. Con chuột hoặc rơi vào bẫy của con mèo hoặc quay trở về xuất phát điểm là nỗi sợ hãi. Cái chết đến với nó như một sự hiển nhiên. Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây chính là bi kịch của con người luôn đuổi theo ảo tưởng về một khát vọng cao đẹp mà không dám đối mặt với thực tế cuộc sống để chiến thắng những nỗi sợ hãi.

Trong truyện, lời người kể chuyện thực chất chỉ còn là lời dẫn chuyện ở câu cuối cùng: “mèo nói rồi chén sạch chuột”. Và câu chuyện khoác áo ngụ ngôn này thực ra chỉ là một cặp đối thoại giữa hai nhân vật mèo và chuột, một lối viết quen thuộc của các mẩu chuyện cười hiện đại. Do vậy, cái tài của Kafka chính là ở chỗ ông xoá nhoà được đường viền ranh giới thể loại mà không để lại dấu vết gì, người đọc bị cuốn theo một cách tự nhiên đầy cảm tính. Và như nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện, chỉ khi “đọc một cách trí tuệ” thì đường viền ấy mới được biết đến. Việc làm mờ hoá thể loại là một cách để nhà văn truyền tải thông điệp mang tính thời sự đến với người đọc bớt đi phần cứng nhắc, sách vở và không quá trang trọng hay là bởi vấn đề nỗi sợ hãi của một kiếp người và cái chết đến với con người thật khó tin như là những câu chuyện cổ dân gian? Kết thúc khép nhưng vấn đề đặt ra lại mở đậm chất Kafka khiến người đọc không ngừng trăn trở, suy ngẫm.

Vẫn lối kể chuyện ngụ ngôn hiện đại ấy, Trước cửa pháp luật cũng có một lối kể chuyện tương đồng. Mở đầu truyện là lối kể rất đặc trưng của các câu chuyện cổ: “Trước cửa Pháp luật có một gã canh cửa”. Câu văn không có thành phần chủ ngữ như đưa người đọc về với thời xa xưa nào đó chứ không phải không khí của câu chuyện được kể vào những năm đầu thế kỉ XX. Người đọc tò mò vì cách định danh địa điểm hết sức chung chung phù hợp với lối kể chuyện ngụ ngôn, cổ tích . Và Lê Huy Bắc đã rất tinh tế khi chỉ ra nét đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn này là “khả năng định hình hoá các khái niệm trừu tượng... Pháp luật thì chẳng thể nào nắm bắt sờ thấy nhưng Kafka đã ấn ngay cho nó cái cánh cửa và thế là nó trở thành một hình khối...” (1; 182). Một chuỗi các biểu tượng được sử dụng trong truyện ngắn này: cánh cửa, Pháp luật, gã canh cửa, người từ miệt quê... được nhắc đi nhắc lại nhiều lần qua sự đan xen của nhiều giọng kể, khi trực tiếp đối thoại khi gián tiếp kể khách quan. Bốn câu mở đầu hoàn toàn là lời kể gián tiếp ở ngôi thứ ba. Người kể chuyện trở thành người chứng kiến đứng ngoài cuộc kể lại câu chuyện về người miệt quê cầu xin được phép vào Pháp luật. Giọng điệu chủ yếu vẫn là giọng của người kể chuyện khách quan quen thuộc trong các câu chuyện cổ. Với những câu nói của nhân vật, nhà văn đều sử dụng lối trích dẫn có ngoặc kép và lời dẫn rất cụ thể:

- “Có thể,”gã canh cửa nói, “nhưng không phải lúc này

- Thấy điều đó, gã canh cửa cười và nói: “Nếu ông quá khao khát điều đó...chẳng dám nhìn anh ta”.

- “Mày muốn gì bây giờ?”, gã canh cửa hỏi; “Mày tham lam vô độ”...

Giọng kể ấy gợi lên màu sắc quen thuộc của những câu chuyện dân gian truyền thống. Nếu đọc theo mạch chảy tự nhiên và người đọc bị cuốn theo cốt truyện hẳn rằng dễ bị nhà văn tạo ra một cảm giác câu chuyện được kể chỉ có một giọng điệu. Nhưng đúng là khi đọc Kafka buộc người ta phải nhẩn nha và tỉnh táo. Ngay sau lời dẫn trực tiếp, xen kẽ vào đó là sự đan cài của lời gián tiếp và lời nửa trực tiếp. thậm chí, trong một câu văn, nhà văn có sự thay đổi rất linh hoạt các kiểu lời văn này:

-“Luật pháp, hắn nghĩ, chắc hẳn có thể tiếp xúc bất kì lúc nào đối với bất kì ai, nhưng bây giờ khi hắn nhìn gần hơn gã canh cửa trong cái áo khoác lông của hắn, với cái mũi nhọn to và bộ râu tác-ta đen, mỏng, dài của gã, thì hắn quyết định rằng tốt hơn cả là đợi cho đến khi hắn được phép vào.”

 - “Nhưng trong bóng tối của mình lúc này hắn nhận ra được một luồng sáng rực rỡ tuôn trào không dứt từ cửa Pháp luật

Đọc tác phẩm của Kafka, chúng tôi nhận thấy rằng, câu văn được sử dụng dài ngắn dường như đều có dụng ý và được kiểm soát chặt chẽ, cẩn thận chứ không phải là sự tuôn trào của mạch chảy cảm xúc tự nhiên. Trong suốt truyện ngắn này, đa phần lời gián tiếp là những câu văn ngắn, đơn giản, dễ xác định thành phần, được sử dụng với mục đích kể lại hoặc bình luận. Nhưng khi một câu văn có sự kết hợp của nhiều lời văn khác nhau thì nhà văn lại sử dụng kiểu câu văn dài hơn. Ở câu thứ nhất, vế đầu là lời độc thoại nội tâm của nhân vật có kèm dấu hịêu dễ nhận biết “hắn nghĩ”, vế sau người đọc rất khó xác định đó là lời của nhân vật hay lời của người kể chuyện. Ranh giới này thường xuất hiện trong văn chương hiện đại thế kỉ XX. Câu thứ hai có sự trộn lẫn giọng điệu của người kể chuyện và nhân vật. Câu văn mang dáng dấp của lời nửa trực tiếp, một giọng văn của thời hiện đại. Vậy là cùng một lúc, thậm chí cùng trong một câu văn, Kafka hoà trộn, kết hợp tự nhiên giọng điệu truyền thống và hiện đại, góp phần “làm mới” thể loại văn chương cổ, làm hiện đại hoá truyện ngụ ngôn mà giọng văn vẫn hết sức tự nhiên, không bị gò ép. Đây là cái tài của Kafka mà không phải nhà văn hiện đại nào cũng làm được. Kafka đã cải biến và thay màu đổi sắc cho thể loại truyện cổ dân gian để nó trở thành một dạng ngụ ngôn hiện đại. Điều đáng nói là hai lần nhà văn sử dụng lời độc thoại nội tâm hoặc lời nửa trực tiếp trong khi kể chuyện, đều được dành riêng cho nhân vật người từ miệt quê với khát khao cháy bỏng và sự hy vọng sẽ đạt được mục tiêu của ông ta. Có lẽ không phải ngẫu nhiên như thế. Bởi dường như nó khắc sâu hơn nguyên nhân đẩy ông ta rơi vào bi kịch. Ông ta càng kiên trì bao nhiêu với khát vọng được đến cánh cửa pháp luật thì cái chết trong khắc khoải, tuyệt vọng do không đạt được mục đích càng trở nên bi thương hơn.

Khép lại tác phẩm, giọng văn lại chuyển sang lời đối thoại giữa hai nhân vật:

 - “Mày muốn gì bây giờ?”, gã canh cửa hỏi; “Mày tham lam vô độ”. ‘Mọi người đều cố đến với Pháp luật”, người đàn ông nói, “vậy tại sao trong ngần ấy năm trời chẳng có ai ngoài tôi cầu xin sự cho phép?” Gã canh cửa nhận thấy người kia sắp từ bỏ cuộc đời và để cho các giác quan yếu đi của hắn bắt được từ ngữ, bèn rống vào tai hắn: “Chẳng một ai khác được phép vào đây, bởi vì cánh cửa này được làm ra chỉ để dành cho mày. Bây giờ tao sẽ đóng nó lại.” (1; 293).

Về mặt hình thức, đoạn văn trên thực chất là một đoạn đối thoại, thông thường sẽ được tách biệt thành các dòng tương ứng với mỗi lời thoại. Nhưng hầu hết các tác phẩm của Kafka không làm thế. Lối kết nối các dòng đối thoại liên tiếp thành một đoạn văn không tách rời không chỉ tạo ra cảm giác mòn mỏi đợi chờ của gã dân quê trải qua suốt một kiếp người sống trong vô vọng và bất lực mà còn là cách làm mới hình thức văn chương theo chiều hướng ngược lại: dân gian hoá hình thức đối thoại của văn chương hiện đại.

Cũng giống như trong Ngụ ngôn nhỏ, Trước cửa pháp luật chốt lại câu chuyện bằng lời khẳng định của kẻ đại diện cho Pháp luật, cho Quyền uy, Sức mạnh:“Chẳng một ai khác được phép vào đây, bởi vì cánh cửa này được làm ra chỉ để dành cho mày. Bây giờ tao sẽ đóng nó lại”. Nếu trong Ngụ ngôn nhỏ, tuyên bố thuộc về mèo thì trong Trước cửa pháp luật  là Gã canh cửa. Cả hai đều là những kẻ tuyên án với thái độ ngang nhiên, lạnh lùng, tàn nhẫn. Những kẻ bị tuyên án là những kẻ vô tội đã phạm tội trốn tránh nỗi sợ hãi ở cuộc đời hoặc muốn đi tìm một con đường sống khác (Ngụ ngôn nhỏ) hoặc dám liều lĩnh đi tìm hiểu Pháp luật (Trước cửa pháp luật). Người dân quê hay con người nói chung rơi vào bi kịch của kẻ hèn nhát, thụ động và bi kịch của việc không thấu hiểu và không thể thấu hiểu được. Người đàn ông hèn nhát đến mức không dám liều mình bước qua cánh cửa ấy. Và ông ta cũng không biết và không thể biết được đằng sau cánh cửa kia có gì. Pháp luật trở thành thứ mơ hồ, khó hiểu đến phi lý. “Sử dụng ngay chính những đặc tính của Thần thoại, Ngụ ngôn và Kinh thánh, kết hợp với lối tái hiện cuộc sống đa chiều và không nhằm hướng đến một ý đồ luân lí cụ thể nào trong tác phẩm, Kafka đã sáng tạo nên một lối phản ánh hiện thực gián tiếp đầy trí tuệ, hướng người đọc vào những tái tạo vô biên trên văn bản của mình” (1; 185).

Kafka không cần quá nhiều lời để mô tả cụ thể, chi tiết cuộc sống của những con người vô tội mang tội mà không biết ấy. Ông lựa chọn hình thức ngụ ngôn vốn ngắn gọn mà hàm súc. Bài học được rút ra cho kiếp người nói chung từ hai thân phận của hai kẻ tội đồ dường như là thông điệp mà văn muốn gửi gắm: con người không nên sợ hãi, trốn tránh hiện thực, dù hiện thực có đen tối đến nhường nào. Chuột kia nếu biết chấp nhận để đối mặt với “thế giới rộng lớn” sẽ là cách không chỉ tránh được cái chết mà còn tránh được nỗi sợ hãi trong cuộc đời, Gã dân quê kia nếu dám liều mình và can đảm bước qua cánh cửa bí hiểm sẽ có được con đường sống tốt đẹp hơn.

3. KẾT LUẬN

Kafka – “người viết Kinh thánh hiện đại”, sinh thời tự xếp mình vào phía những người hoài nghi, có cái nhìn không mấy lạc quan về cuộc đời. Tuy nhiên, thế giới của ông không vì thế mà hoàn toàn là bóng tối. Đọc Ngụ ngôn nhỏTrước cửa pháp luật, với cách làm mới thể loại văn chương từ cấu trúc đến giọng điệu của những câu chuyện ngụ ngôn mang sắc màu hiện đại, người đọc nhận ra một thái độ sống tích cực của nhà văn. Ở đó, Kafka đề xuất một con đường sống cho con người - con đường hành động để tiến lên phía trước. Một khi anh quay đầu trở lại hoặc vì nản lòng hoặc vì sợ hãi tất yếu anh sẽ chết. Cái nhìn của Kafka, do vậy, thực chất không phải là tư tưởng bi quan về cuộc đời mà là cách đề xuất, sự gợi mở cho con người tìm đường đi - tìm đường sống.

Với kết quả nghiên cứu trên, bài viết mong rằng sẽ có thêm một hướng tiếp nhận sáng tác của Kafka và một con đường chạm gần với tư tưởng nhân văn tiến bộ của nhà văn được xem là mang hơi thở, giọng điệu đặc trưng của văn chương hiện đại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Huy Bắc, 2006, Nghệ thuật Phran-dơ Káp-ka, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  2. Franz Kafka, 2003, Tuyển tập tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn - Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.
  3. Nhiều tác giả, 2002, Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

 

 (Bài đã đăng Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Hồng Đức, số 6/12-2010)

 

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN