Giới thiệu sách mới “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xung đột tại điểm đến du lịch cộng đồng (Nghiên cứu trường hợp khu vực miền núi Thanh Hóa)”

11/10/2024

Cho đến nay, phần lớn các nghiên cứu về du lịch đều khẳng định việc phát triển du lịch cộng đồng mang lại nhiều lợi ích cho địa phương trên cả ba phương diện: kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Bên cạnh những lợi ích, du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng cũng mang đến nhiều thách thức không nhỏ. Do vậy, việc nhận diện, dự báo và quản lý xung đột là chìa khóa để đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch cộng đồng. Cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xung đột tại điểm đến du lịch cộng đồng (Nghiên cứu trường hợp khu vực miền núi Thanh Hóa)" được thực hiện nhằm góp phần giải quyết vấn đề này.

 

Cho đến nay, phần lớn các nghiên cứu về du lịch đều khẳng định việc phát triển du lịch cộng đồng mang lại nhiều lợi ích cho địa phương trên cả ba phương diện: kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Về kinh tế, du lịch cộng đồng tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thu hút đầu tư, tạo cơ hội khởi nghiệp và tạo nguồn thu cho chính quyền. Du lịch cộng đồng cũng hỗ trợ phát triển các ngành nghề truyền thống như nông nghiệp, lâm nghiệp, nghề thủ công truyền thống, đồng thời thúc đẩy thương mại địa phương và cải thiện cơ sở hạ tầng. Không chỉ vậy, du lịch cộng đồng còn góp phần phục hồi, bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa, nâng cao nhận thức về môi trường và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, du lịch cũng mang đến những thách thức không nhỏ tại cộng đồng. Nhiều địa phương đối mặt với vấn đề phân chia lợi ích không công bằng, chi phí sinh hoạt tăng cao, quản lý yếu kém, ô nhiễm môi trường, tài nguyên suy thoái, biến đổi văn hóa và mất đi sinh kế truyền thống. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của du lịch mà còn gây ra những mâu thuẫn, xung đột trong cộng đồng, từ đó làm suy giảm sự gắn kết và tình làng nghĩa xóm.

Nhận diện, dự báo và quản lý xung đột là chìa khóa để đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch cộng đồng. Việc nghiên cứu sâu về xung đột giữa các bên liên quan không chỉ giúp giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn định hướng cho sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, các nghiên cứu về du lịch cộng đồng ở Việt Nam, đặc biệt là nghiên cứu về xung đột giữa các bên liên quan, còn khá ít ỏi. Cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xung đột tại điểm đến du lịch cộng đồng (Nghiên cứu trường hợp khu vực miền núi Thanh Hóa) được thực hiện nhằm góp phần giải quyết khoảng trống này. Cuốn sách kế thừa những vấn đề lý luận từ các nghiên cứu trước đây, xây dựng mô hình lý thuyết phân tích yếu tố tác động đến xung đột giữa cư dân và các bên liên quan trong bối cảnh điểm đến du lịch cộng đồng, từ đó đóng góp thêm những nội dung lý luận và thực tiễn cho phát triển du lịch cộng đồng. Cuốn sách bao gồm ba chương:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận về xung đột và du lịch cộng đồng.

Chương 2: Thực trạng xung đột tại điểm đến du lịch cộng đồng (Trường hợp khu vực miền núi Thanh Hóa).

Chương 3: Quản lý xung đột tại điểm đến du lịch cộng đồng.

 

Media\2004_khxh.hdu.edu.vn\FolderFunc\202407\Images/bia-dh-20240701102149-e.png

Bìa sách do TS. Dương Thị Hiền chủ biên.

Cuốn sách không chỉ cung cấp những kiến thức lý luận mà còn mang lại những giải pháp thực tiễn hữu ích cho việc quản lý và phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững. Đây sẽ là nguồn tài liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý du lịch, sinh viên và tất cả những ai quan tâm đến vấn đề mối quan hệ của các bên liên quan, du lịch cộng đồng.

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu và hoàn thiện nội dung cuốn sách, mặc dù các tác giả đã hết sức nỗ lực nhưng không thể tránh khỏi những sai sót. Chúng tôi mong bạn đọc lượng thứ và chân thành cảm ơn những ý kiến góp ý quý báu để có thể hoàn thiện hơn công trình nghiên cứu này trong những lần tái bản sau.

Nhóm tác giả

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN