Để những địa danh lịch sử - văn hóa trên đất Bá Thước trở thành những điểm đến du lịch

29/10/2021

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Bá Thước nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định: “Tập trung đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng các điểm du lịch hiện có trên địa bàn huyện; xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, như bản Kho Mường, xã Thanh Sơn; bản Đôn, xã Thanh Lâm; Khu Sơn - Bá - Mười xã Lũng Cao, thác Hiêu xã Cổ Lũng, thác Mơ xã Điền Quang... Khôi phục các loại hình văn hóa bản địa, các sản phẩm đặc trưng; đồng thời quảng bá, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cho du lịch trên địa bàn huyện... Quản lý, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, các di tích lịch sử đã được xếp hạng, các cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Phấn đấu đạt 10.000 lượt khách tham quan trở lên, trong số đó chủ yếu là khách quốc tế”. Huyện ủy, UBND huyện Bá Thước cũng đã lập Quy hoạch phát triển du lịch của huyện nhà.

                                                         

 PGS.TS. Hoàng Thanh Hải - Trường Đại học Hồng Đức

 

1. Về các khái niệm Địa danh lịch sử - văn hóa, Điểm đến du lịch, Khu du lịch Điểm du lịch

- Địa danh lịch sử - văn hóa

Địa danh lịch sử - văn hóa được hiểu là những tên gọi địa hình thiên nhiên, công trình xây dựng, đơn vị hành chính, vùng lãnh thổ có giá trị lịch sử, văn hóa, cụ thể gồm những loại, như: “Những địa danh có các di tích lịch sử văn hóa; Những địa danh gắn với các di tích khảo cổ học; Những địa danh là các danh lam, thắng cảnh; Những địa danh là đơn vị cư trú như làng, xã, thôn, bản gắn với giá trị lịch sử, văn hóa; Những công trình giao thông, trung tâm thương mại, chợ, công trình phúc lợi…”1. Địa danh lịch sử- văn hóa là những địa danh có giá trị lịch sử - văn hóa, có tiềm năng, lợi thế trở thành một điểm đến du lịch.

- Điểm đến du lịch

Theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), điểm đến du lịch bao gồm các sản phẩm du lịch mà du khách nghỉ tại đó ít nhất một đêm. Quy mô của điểm đến du lịch rất đa dạng, rộng lớn như một quốc gia (Việt Nam), nhỏ hơn như một tỉnh, thành phố (Thanh Hóa), một huyện (Bá Thước), một thị trấn, làng, bản (Son - Bá - Mười), hay thậm chí một khu du lịch (Pù Luông), một điểm du lịch (Hang cá thần Mường Ký, xã Văn Nho)… Ở nước ta, khái niệm điểm đến du lịch chưa được xác định rõ.

- Khu du lịch, Điểm du lịch

Điều 3 của Luật Du lịch Việt Nam 2017 chỉ mới ghi: “Khu du lịch là khu vực có ưu thế về tài nguyên du lịch, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Khu du lịch bao gồm khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch quốc gia”, còn “điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch”2.

 Điểm chung của hai khái niệm điểm đến du lịch và khu du lịch, điểm du lịch, đó là nơi có tài nguyên, có sản phẩm và dịch vụ du lịch nhằm cung cấp trải nghiệm du lịch cho du khách. Điểm khác nhau là về giới hạn thời gian nghỉ lại của du khách ít nhất một đêm, trong Luật Du lịch Việt Nam 2017 không đề cập tới. Mặt khác, mô tả các thành phần của khu du lịch, điểm du lịch còn khá chung chung, thiên về ưu thế tài nguyên du lịch, chưa làm rõ các thành phần quan trọng khác của một khu du lịch, điểm du lịch như các dịch vụ bổ trợ, các yếu tố thu hút khách, khả năng tiếp cận điểm đến, hình ảnh và nguồn nhân lực. Như vậy, các tiêu chí cơ bản của một điểm đến du lịch bao gồm: Nguồn tài nguyên du lịch (tự nhiên, nhân văn) phong phú, độc đáo; Các dịch vụ và tiện ích thuận tiện, thoải mái; Khả năng tiếp cận (truy cập, tìm hiểu, giao thông…) thuận lợi; Hình ảnh đẹp, ấn tượng, độc đáo; Nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có ngoại ngữ tốt, kỹ năng thuần thục… Các yếu tố để đánh giá mức độ hấp dẫn của điểm đến du lịch gồm: Tài nguyên du lịch; Kết cấu hạ tầng cơ bản; Kết cấu hạ tầng du lịch; Đảm bảo an ninh, an toàn, y tế, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn…, Tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến; Các yếu tố giá cả3.

2. Các địa danh lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Bá Thước có thể trở thành một điểm đến du lịch

Dựa vào những tiêu chí của một địa danh lịch sử - văn hóa có thể trở thành một điểm đến du lịch, gồm: 1. Có giá trị văn hóa - lịch sử đặc sắc, hấp dẫn với khách du lịch; 2. Đang còn tồn tại hoặc còn khả năng phục dựng, tôn tạo; 3. Có khả năng kết nối với các địa danh du lịch và loại hình du lịch khác; 4. Đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và lưu trú; 5. Có khả năng thu hút khách du lịch thường xuyên và lâu dài, các nhà nghiên cứu đã xác định được 34 địa danh lịch sử văn hóa của huyện Bá Thước:

DANH MỤC ĐỊA DANH LỊCH SỬ- VĂN HÓA PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỦA HUYỆN BÁ THƯỚC4

 

TT

Tên địa danh

Địa điểm

Loại hình địa danh

Xếp hạng

Ghi chú

1

Di tích khảo cổ học Mái Đá Điều

Xã Cổ Lũng

Khảo cổ

Tỉnh

 

2

Đồn Cổ Lũng

Xã Cổ Lũng

LS - VH

Tỉnh

Cụm di tích Đồn - Sân bay Cổ Lũng

3

Sân bay Cổ Lũng

Xã Cổ Lũng

LS - VH

Tỉnh

4

Thác Hiêu

Xã Cổ Lũng

Thắng cảnh, điểm DL CĐ

 

Tỉnh công nhận là điểm DL cộng đồng

5

Hang Thiết Ống

Xã Thiết Ống

LS - VH

Tỉnh

 

6

Thác Muốn

Xã Điền Quang

Thắng cảnh

Tỉnh

 

7

Đền thờ Quận công Hà Công Thái

Xã Điền Trung

LS - VH

Tỉnh

 

8

Hang cá thần Mường Ký

Xã Văn Nho

Thắng cảnh

Tỉnh

 

9

Hang Làng Tráng

Xã Lâm Xa

Khảo cổ

Tỉnh

 

10

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Các xã: Lũng Cao, Lũng Niêm, Cổ Lũng, Thành Lâm, Thành Sơn, Ban Công

Thắng cảnh

 

Được Tỉnh công nhận là 1/22 khu du lịch của Tỉnh

11

Hang Dơi

Thành Sơn

Thắng cảnh

 

 

12

Bản Kho Mường

Thành Sơn

Điểm du lịch cộng đồng

Tỉnh

13

Hang Nủa

Xã Lũng Cao

Thắng cảnh

 

 

14

Hồ Duồng Cốc

Xã Điền Hạ

Thắng cảnh

 

 

14

Son- Bá- Mười

Xã Lũng Cao

Thắng cảnh

 

 

16

Lễ hội Mường Khô

Xã Điền Trung

Lễ hội của người Mường

 

Không gian văn hóa mường Khô và lễ hội mường Khô

17

Mường Khô

Thuộc 5 xã: Điền Trung, Điền Lư, Điền Quang, Điền Hạ và Điền Thượng

Làng cổ, làng du lịch cộng đồng

Chưa xếp hạng

18

Lễ hội Căm Mương

Xã Văn Nho

Lễ hội của người Thái

 

Không gian văn hóa mường Kỷ và lễ hội mường Căm

19

Mường Ký

Xã Kỳ Tân và xã Văn Nho

Làng cổ, làng du lịch cộng đồng

 

20

Đồi Lai Li Lai Láng

Xã Thiết Kế

LS - VH

 

 

21

Mường Ống

Xã Thiết Ống

Làng cổ, làng du lịch cộng đồng

 

 

22

Bản Hiêu

Xã Cổ Lũng

Làng du lịch cộng đồng

 

 

23

Bản Đôn

Xã Thành Lâm

Làng du lịch cộng đồng

Cấp Tỉnh

 

24

Hang Nước, Hang Bụt

Xã Điền Hạ

Thắng cảnh

Tỉnh

 

25

Lễ tục cầu mưa (làng Hiềng)

Xã Kỳ Tân

Lễ tục của người Thái

 

 

26

Lễ hội đua thuyền (thôn Dần Long)

Xã Lương Ngoại

Lễ hội

Huyện

 

27

Chợ Phố Đoàn

Xã Lũng Niêm

Chợ

 

 

28

Làng Lặn Ngoài (Làng dệt thổ cẩm)

Xã Lũng Niêm

Làng nghề truyền thống

 

 

29

Mường Đèn

(lễ hội Pồn Pôông)

Xã Điền Lư

Lễ tục của người Mường

 

 

30

Thiết Ống (Xường Thiết Ống)

Xã Thiết Ống

Dân ca Mường

 

 

31

Thiết Ống, Điền Hạ, Diền Quang, Hà Trung (Cồng chiêng, trống đảm)

Các xã Thiết Ống, Điền Hạ, Điền Quang, Hà Trung

Trò diễn

 

 

32

Mường Khô (Đẩy gậy)

Xã Điền Trung

Trò chơi

 

 

33

Mường Khô (Kéo co)

Xã Điền Trung

Trò chơi

 

 

34

Mường Khô (Ném còn)

Xã Điền Trung

Trò chơi

 

 

Trong 34 địa danh nêu trên, có 9 di tích, danh thắng (Đồn Cổ Lũng - Sân bay Cổ Lũng, Hang Thiết Ống, Đền thờ Quận công Hà Công Thái, Mái Đá Điều, Hang Làng Tráng, Thác Muốn, Hang cá thần Mường Ký, Thác Hiêu, Hang Nước - Hang Bụt), 1 khu du lịch (Khu du lịch Pù Luông) và 3 điểm du lịch (Điểm du lịch bản Đôn, Điểm du lịch bản Kho Mường, Điểm du lịch bản Hiêu) đã được công nhận cấp tỉnh. Số còn lại vẫn chưa được xếp hạng. So với các huyện khác, Bá Thước thực sự là một huyện giàu tiềm năng phát triển du lịch nhất trong 11 huyện miền núi Thanh Hóa.

Nhận thức rõ các địa danh lịch sử - văn hóa là tiềm năng và lợi thế cho phát triển du lịch, vận dụng chủ trương Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh Thanh Hóa, phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh, đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm phát triển du lịch của cả nước,  Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Bá Thước nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định: “Tập trung đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng các điểm du lịch hiện có trên địa bàn huyện; xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, như bản Kho Mường, xã Thanh Sơn; bản Đôn, xã Thanh Lâm; Khu Sơn -- Mười xã Lũng Cao, thác Hiêu xã Cổ Lũng, thác Mơ xã Điền Quang... Khôi phục các loại hình văn hóa bản địa, các sản phẩm đặc trưng; đồng thời quảng bá, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cho du lịch trên địa bàn huyện... Quản lý, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, các di tích lịch sử đã được xếp hạng, các cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Phấn đấu đạt 10.000 lượt khách tham quan trở lên, trong số đó chủ yếu là khách quốc tế”5. Huyện ủy, UBND huyện Bá Thước cũng đã lập Quy hoạch phát triển du lịch của huyện nhà. Quy hoạch đã xác lập 03 trung tâm du lịch của huyện là: Cụm du lịch Quốc Thắng với các sản phẩm du lịch: du lịch tham quan khám phá tự nhiên Pù Luông; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch thương mại, du lịch tham quan nông nghiệp; du lịch văn hóa - lễ hội. Cụm du lịch phía Tây huyện bá Thước bao gồm các xã Văn Nho, Kỳ Tân, Thiết Kế với các sản phẩm du lịch: du lịch sinh thái, du lịch tham quan cảnh quan tự nhiên, du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch tham quan sông Mã. Cụm du lịch phía đông nam huyện Bá Thước bao gồm các xã: Điền Quang, Lương Ngoại với các sản phẩm du lịch: tham quan cảnh quan tự nhiên; văn hóa - lễ hội dân gian; nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch cộng đồng. Huyện và ngành Văn hóa, Thể thao - Du lịch cũng đã lập danh mục ban đầu các điểm du lịch của huyện, bao gồm: 1. Mái Đá Điều và các di tích khảo cổ học thời tiền sử; 2. Đồn Cổ Lũng, sân bay Cổ Lũng; 3. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; 5. Hang Nủa; 6. Thác Hiêu; 7. Thác Muốn và một số hang động làng Muốn; 8. Hồ đập Thanh Minh - Hạ Long trên cao nguyên ở xã Điền Hạ; 9. Phố Chợ Đòn - phiên chợ vùng cao ở Bá Thước; 10. Sơn - Bá - Mười - Đà Lạt xứ Thanh; 11. Không gian văn hóa Mường Khô và lễ hội Mường Khô; 12. Không gian văn hóa Mường Ký, hang cá thần; 13. Huyền thoại đồi Lai Li Lai Láng - không gian thiêng; 14. Không gian văn hóa Mường Ống - mô hình làng văn hóa du lịch “Đẻ đất đẻ nước”.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá giá trị các địa danh lịch sử - văn hóa

Để những tiềm năng, lợi thế nêu trên trở thành hiện thực, các địa danh lịch sử - văn hóa của Bá Thước sớm hình thành các điểm đến du lịch hấp dẫn, trong thời gian tới, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá sâu rộng, hiệu quả giá trị của các địa danh này.

Thứ nhất, cần phải có nhận thức đúng về bảo tồn và khai thác các địa danh lịch sử - văn hóa trong bối cảnh hiện nay. Bảo tồn không phải chỉ là bảo vệ, đóng cửa để giữ di sản văn hóa, nhưng cũng không thể phục chế, làm mới để thay đổi giá trị ban đầu của di sản văn hóa, hoặc bảo tồn di sản văn hóa dưới dạng sân khấu hóa, rồi lai căng, hiện đại hóa di sản vì mục đích thương mại. Những phương thức bảo tồn sai lệch trên đây thực tế đã tương đối phổ biến do nhận thức chưa đúng của cơ quan quản lý văn hóa/du lịch, chính quyền hoặc chính người dân ở một số địa phương. Cần phải nhận thức rằng, bảo tồn di sản bằng cách khai thác để xây dựng thành các sản phẩm du lịch, giới thiệu cho du khách biết, đó chính là phương thức bảo tồn đúng đắn, hiệu quả nhất.

Thứ hai, trong khai thác địa danh lịch sử- văn hóa để phát triển sản phẩm du lịch, ngành quản lý di sản và ngành du lịch cần phải có sự hợp tác chặt chẽ và đều hướng đến khai thác hiệu quả, bền vững giá trị của di sản văn hóa. Đối với ngành quản lý di sản, trong hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di sản văn hóa cần phải sáng tạo đồng thời các loại dịch vụ thích hợp để hấp dẫn du khách đến với di sản. Đối với ngành du lịch, cần nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm du lịch tương ứng từ các loại hình di sản văn hóa nhưng cũng phải luôn quan tâm đến trách nhiệm của du khách trong việc tôn trọng và bảo vệ di sản. Nhìn chung, nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triền du lịch là trách nhiệm chung của toàn xã hội, nhưng hai ngành chuyên môn là quản lý di sản và du lịch luôn đóng vai trò chủ động và sáng tạo.

Thứ ba, trong thời đại công nghiệp 4.0, việc xây dựng, quảng bá hình ảnh các điểm đến du lịch là hết sức quan trọng, nhất là trên mạng Internet, trên thông tin điện tử của từng xã, huyện và tỉnh, trên bản đồ du lịch Thanh Hóa và Việt Nam. Trong phát triển du lịch, xây dựng được “hình ảnh đẹp, ấn tượng, độc đáo” của một điểm đến du lịch đầy tiềm năng trong lòng du khách trong và ngoài nước là nhiệm vụ cần thiết với những cơ hội và thách thức nhất định. So với các địa phương khác, điểm yếu nói chung của du lịch Thanh Hóa nói chung, Bá Thước nói riêng, đó là công tác quảng bá, tuyên truyền, maketing chưa thực sự hiệu quả.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng dân cư với nhiều hình thức khác, như biên soạn sách, tờ gấp... giới thiệu, để mọi tầng lớp nhân dân, du khách thập phương, nhất là học sinh sinh viên nhận thức đúng giá trị lịch sử văn hóa, “giá trị kinh tế” - là điểm đến du lịch không thể bỏ qua” của địa phương, từ đó có thái độ, hành động ứng xử trân trọng đối với khu di tích. Để hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch có hiệu quả cần khai thác tất cả các loại ấn phẩm thông tin du lịch được sử dụng tại Việt Nam do cơ quan quản lý Nhà nước về Du lịch, các doanh nghiệp ấn hành và cung cấp cho du khách; tổ chức các chuyến famtrip, presstrip; tuyên truyền quảng bá du lịch thông qua các ấn phẩm truyền thông, truyền hình; tham dự hội chợ, hội thảo và giao lưu các chương trình du lịch trong và ngoài nước để giới thiệu về hình ảnh của của địa phương tới khách du lịch, đối tác và các nhà đầu tư; tăng cường hơn nữa nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến, quảng bá…

Hình ảnh về con người và bản sắc văn hóa vùng miền là các yếu tố rất quan trọng làm nên thương hiệu du lịch của một điểm đến. Vùng đất Bá Thước đậm đặc các di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể phong phú có thể xây dựng điểm đến có thế mạnh về tài nguyên du lịch nhân văn, văn hóa, lịch sử. Do đó,  huyện, xã, ngành Văn hóa, Du lịch cần tiếp tục triển khai một số giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân xây dựng hình ảnh về con người và bản sắc văn hóa của điểm đến du lịch, làm cho người dân tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống lịch sử, từ đó có ý thức, trách nhiệm để bảo tồn và giới thiệu những giá trị đó đến với du khách thông qua các sản phẩm du lịch văn hóa - di tích lịch sử...

Thứ tư, chính quyền và ngành Văn hóa - Du lịch của xã, huyện, tỉnh, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện, mời gọi các doanh nghiệp du lịch về đầu tư, xây dựng các sản phẩm, các tour, tuyến du lịch kết nối với các khu, điểm du lịch trong huyện, trong tỉnh và cả nước

Thứ năm, đầu tư, bảo tồn tôn tạo, khai thác các địa danh lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch bền vững phải gắn với việc tạo công ăn, việc làm cho cư dân địa phương. Các dự án trùng tu, tôn tạo, các dự án du lịch ở đây cần phải có sự tham gia của cộng đồng nhân dâncác dân tộc địa phương.

Thứ sáu, đối với sự nghiệp giáo dục trong các trường phổ thông nói chung, huyện Bá Thước nói riêng hiện nay, việc sử dụng, khai thác các địa danh lịch sử - văn hóa là một nguồn sử liệu quý hiếm, một phương tiện dạy học hiệu quả, không chỉ có ý nghĩa nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các môn học như Lịch sử, Giáo dục công dân..., mà còn góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích. Chương trình môn lịch sử từ bậc Tiểu học (Lớp 4, 5), Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện hành đều quy định một số tiết lịch sử địa phương, với nội dung hết sức mềm dẻo, tự chọn, chủ yếu là tìm hiểu về các sự kiện, nhân vật lịch sử, các di sản lịch sử - văn hóa của địa phương. Việc dạy học môn lịch sử sắp tới cũng sẽ được đổi mới “căn bản và toàn diện”, theo hướng chú trọng đến phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, tăng cường tổ chức các hoạt động “trải nghiệm, sáng tạo”, tham quan, thực hành môn học, chú trọng những kiến thức lịch sử, văn hóa địa phương. Các di tích lịch sử - văn hóa, địa danh lịch sử, lễ hội truyền thống của địa phương sẽ chính là nơi để tổ chức các hoạt động này hiệu quả nhất, thuận lợi nhất

Qua tìm hiểu thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, nên số lượt học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập tại các địa danh lịch sử - văn hóa còn ít, chưa có hoạt động dạy học thực sự nào được tổ chức ở đây. Vì vậy, thời gian tới, các địa danh lịch sử- văn hóa phải là địa điểm để Thầy - Trò lớp 4, 5, 6, 7, 8, 9 của các Trường Tiểu học và Trung học cơ sở các xã trong huyện tổ chức bài học lịch sử địa phương, các buổi tham quan ngoại khóa, “trải nghiệm sáng tạo” thường xuyên. Để những hoạt động giáo dục nêu trên, nhất là tổ chức bài học lịch sử địa phương tại thực địa khu di tích đạt kết quả tốt, chúng tôi gợi ý một số điểm:

Giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa quê hương cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh phổ thông có ý nghĩa quan trọng, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp của các ngành, các cấp, sự vào cuộc của tất cả các tầng lớp nhân dân chứ không chỉ dừng lại ở các bài học lịch sử trong nhà trường. Vì vậy, chúng tôi đề nghị, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Giáo dục huyện, các trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông cần có quy định chọn các địa danh lịch sử - văn hóa nhữngđịa điểm tổ chức bài học lịch sử địa phương và các hoạt động tham quan, trải nghiệm sáng tạo, các hoạt động chăm sóc, bảo vệ khu di tích, tổ chức sâu rộng các hoạt động thi tìm hiểu về dòng họ, về các di tích lịch sử văn hóa của xã, huyện trong các nhà trường. Khuyến khích các thầy cô giáo và học sinh tham gia sưu tầm các mẩu chuyện, tư liệu và hiện vật để biên soạn bài giảng; Mời các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương nói chuyện về khu di tích… Chất lượng giáo dục truyền thống lịch sử- văn hóa địa phương chỉ thực sự có hiệu quả khi các địa danh lịch sử - văn hóa được quan tâm đầu tư, bảo tồn, tôn tạo đúng với tầm vóc, giá trị của nó.

Chú thích

1) Lê Thị Lan Anh - Phạm Thị Hà (2019), Lựa chọn 1000 địa danh lịch sử - văn hóa đưa vào Từ điển địa danh lịch sử - văn hóa Thanh Hóa, phục vụ phát triển du lịch, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Lựa chọn địa danh lịch sử - văn hóa Thanh Hóa với việc biên soạn Từ điển địa danh lịch sử- văn hóa, Trường ĐHSP Hà Nội, Tr 9.

2) Luật Du lịch Việt Nam 2017, Nxb Chính trị quốc gia, HN

3) Ngô Hoài Chung (2019), Điểm đến, quản lý điểm đến và vấn đề xây dựng điểm đến du lịch tại Thanh Hóa, Kỷ yếu hội thảo khoa học Lựa chọn địa danh lịch sử - văn hóa với việc biên soạn từ điển địa danh lịch sử- văn hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2019.

4) Lê Thị Lan Anh - Phạm Thị Hà (2019), TL đã dẫn, Tr 26-31.

5) Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bá Thước (2015), Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Bá Thước nhiệm kỳ 2015 – 2020

 

(Tham luận tại hội thảo "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Lịch sử - Văn hóa nhằm phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa", 2020)

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN