Lê Huy Trâm - Nhà giáo, nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp đáng trân trọng

23/12/2022

Thanh Hóa có nhiều nhà giáo đồng thời là nhà khoa học sưu tầm, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian tỉnh nhà. Thành tựu của họ rất đáng tổng kết nghiên cứu và học tập; lao động khoa học của họ rất đáng được tôn vinh. Do phạm vi hiểu biết, ở đây, người viết chỉ xin trình bày một số ý nghĩ về tác giả Lê Huy Trâm (1934 - 2002).

 

           ThS. Lê Như Bình

 

1. Lê Huy Trâm là nhà giáo xứng đáng nhận danh hiệu cao quý

Nếu lấy tiêu chí Nhà giáo Ưu tú là chuyên gia giỏi, có chuyên môn ở bậc cao, và Nhà giáo Nhân dân là nhà sư phạm, hoạt động giáo dục có uy tín, ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ học trò, thì trong ngành giáo dục Thanh Hóa có khá nhiều thầy cô xứng đáng với cả hai danh hiệu này. Một trong số đó là nhà giáo Lê Huy Trâm.

Thầy Lê Huy Trâm chỉ là một giáo viên thường (giảng dạy ở các trường cấp III, THPT, CĐSP), có khoảng 40 năm liên tục đứng trên bục giảng. Số học trò của thầy phải kể hàng ngàn, trong đó nhiều người thành đạt, như: Vụ trưởng Vụ Hành chính, Văn phòng Quốc hội Đỗ Thị Thanh; đại tá Lê Văn Cương, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, quân đoàn 3 (học sinh trường cấp 3 Yên Định 1 khóa 1985 - 1988)… Tình nghĩa của học trò đối với thầy Trâm có nhiều chuyện thật cảm động. Còn nhớ, năm 2002, thầy bệnh nặng, rồi mất, thời ấy thủ tục chuyển viện và làm tử tuất còn nhiều nhiêu khê, khó khăn đã có một người tự nguyện đứng ra lo liệu tất cả. Sau này người nhà hỏi ra mới biết người ấy là một học sinh cũ của thầy, bấy giờ làm Phó Giám đốc Sở Y tế.

Về chuyên môn, nhà giáo Lê Huy Trâm rất được đồng nghiệp trân trọng. Dạo ấy, trong ngành giáo dục, các kì thao giảng chọn giáo viên giỏi toàn tỉnh được coi là sự kiện lớn. Ngay từ đầu năm, không khí rèn luyện chuyên môn, trau dồi nghiệp vụ, dự giờ thao giảng rộn ràng như ngày hội. Người đạt giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, được lập danh sách đi thao giảng cấp tỉnh là uy tín chuyên môn rất cao. Chẳng có chạy chọt gì, tất cả chỉ nhờ sự vượt trội của kiến thức, kĩ năng. Bởi lẽ, giáo viên giỏi chỉ là cái danh hiệu thể hiện kĩ năng sư phạm, kiến thức chuyên môn, không có ý nghĩa chức tước, quyền lợi. Trong một kì thi (trước 1970), nhà giáo Lê Huy Trâm đã đạt danh hiệu giáo viên giỏi môn Văn cấp tỉnh, với tiết giảng bài thơ Tùng của Nguyễn Trãi. Chắc giáo viên dạy Văn, ai cũng hiểu mức độ “xương” của bài này. Nhiều từ ngữ Việt cổ từ thế kỉ XV, biểu tượng “tùng” trung đại quá hàm súc, đặc biệt khó hiểu với học sinh trung học. Dự thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, bắt thăm phải bài Tùng, nhiều người dễ nản, không phải ai cũng đủ tự tin. Và dẫu không thành công, cũng nhận được sự thông cảm.

Nhà giáo Lê Huy Trâm còn tiêu biểu cho một tấm gương tự học. Năm 1981, Sở GD Thanh Hóa mời Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức lớp Cao học tại địa phương. Khóa đầu chỉ có hai lớp: Văn và Toán. Học viên lúc ấy đại đa số còn ít tuổi. Ai cũng ngạc nhiên khi thấy một “cụ” khá già, cao tuổi nhất lớp, có vẻ như về hưu đến nơi, chuyên khoác áo đại cán quân đội màu xanh lá bạc phếch, đội mũ len thô xanh công nhân, đi dép lê, đó là học viên Lê Huy Trâm. Vất vả nhất là tiếng Nga, suốt ngày “cụ” vẽ chữ, lẩm bẩm “tụng kinh”. Tiếng là đặt ở Thanh Hóa nhưng chỉ có mấy chuyên đề chung như ngoại ngữ và phương pháp dạy đại học là được học trong tỉnh, còn khi bắt đầu chuyên ngành hẹp là phải ra Hà Nội. Mỗi đợt “lai kinh” lại lỉnh kỉnh gạo, vừng lạc, nồi niêu, mua vé tầu, bắt ô tô, các vị đứng tuổi hăng hái như cánh trẻ, không ai bỏ kì tập trung nào. Học viên Lê Huy Trâm là người duy nhất chọn đề tài nghiên cứu văn hóa dân gian Thanh Hóa. Hướng dẫn là TS. Lê Trường Phát. Thầy ít tuổi hơn trò, mãi về sau thầy trò luôn giữ mối quan hệ thân thiết như anh em. Trong báo cáo tốt nghiệp, luận văn của học viên Lê Huy Trâm được đánh giá cao nhất. Hội đồng chấm có nhận xét: Đây là trong số rất ít những luận văn thể hiện năng lực nghiên cứu thực sự. Người viết có đủ phẩm chất của một nhà khoa học.

2. Lê Huy Trâm là một trong những người đầu tiên nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Thanh Hóa

Là một người thầy đáng kính, nhà giáo Lê Huy Trâm còn là một nhà nghiên cứu rất có uy tín. Còn nhớ khoảng cuối những năm 50, đầu 60, thế kỉ trước, ở miền Bắc xuất hiện ba nhóm nghiên cứu văn hóa văn nghệ. Lê Quý Đôn, Thiên Lý Mã (Hà Nội) và Lam Sơn (Thanh Hóa). Cả ba đều được nhóm lập một cách tự phát, Nhóm Lê Quý Đôn, (hình thành vào năm 1957) như Thúy Toàn nhận xét: “Ra đời một cách tự nhiên, chẳng có điều lệ, tuyên ngôn, cương lĩnh gì, cũng chẳng có ngày tháng rõ ràng, chẳng hề chính thức “trình làng”[1]. Điều đáng chú ý là nhóm Lê Quý Đôn bao gồm nhiều nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn rất danh tiếng: Trương Chính, Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn, Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách… Những công trình nghiên cứu của họ, nhất là mảng sách dịch, để lại dấu ấn đậm nét trong giới khoa học và người đọc cả nước.

Ở một tỉnh địa phương là Thanh Hóa, nhóm Lam Sơn được hình thành. Người đứng tên xin lập và cũng để lấy tiếng cho nhóm là cụ Nguyễn Đình Ngân (1890 - 1968), cử nhân Hán học, từng giữ những trọng trách trong cả hai chế độ cũ và mới[2]. Người tổ chức, điều hành là nhà giáo Vũ Ngọc Khánh, công tác tại Trường cấp III, Lam Sơn, Thanh Hóa. Thành viên là những người quê Thanh, hoặc là công chức tại đây, hầu hết còn trẻ tuổi: Hoàng Tuấn Phổ, Lê Huy Trâm, Nguyễn Bá Đan, Đỗ Ngọc Trân, Ngô Xuân Thanh, Đặng Anh... Có người là học trò của thầy Vũ Ngọc Khánh, như Lê Huy Trâm, Ngô Xuân Thanh… Hoạt động của nhóm, khởi điểm sưu tầm tư liệu là chính, nghiên cứu, giới thiệu mới chỉ bước đầu. Đề tài tập trung vào phạm vi văn hóa văn nghệ dân gian Thanh Hóa.

Thanh Hóa, một vùng đất cổ, một trong những cái nôi của người Việt, bởi vậy, thời kì nào cũng được sử sách ghi chép. Có thể điểm sơ lược: Từ thời Lí, Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu, người được cho là quê Tĩnh Gia, có tên trong Thiền uyển thập anh của Thiền sư Thông Biện[3]. Thời Trần, sách Việt điện u linh (chưa rõ tác giả), có ghi về núi Đồng cổ ở Thanh Hóa. Thời Hậu Lê, nhiều tư liệu lịch sử, cảnh đẹp thiên nhiên Xứ Thanh xuất hiện trong văn chương của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, và nhiều vị khác. Thời Nguyễn, Thanh Hóa được ghi trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ; cuốn Thanh Hóa chư thần lục[4], lược kê 943 thần vị Xứ Thanh...; đầu thế kỉ XX (1903), Vương Duy Trinh cho ra sách Thanh Hóa quan phong - “lượm lặt những câu ca dao thuộc tỉnh Thanh Hóa”[5], Thanh Hóa kỷ thắng - một cuốn tư liệu quý về văn hóa lịch sử Thanh Hóa…

Nhưng sau Vương Duy Trinh, bẵng đi khoảng nửa thế kỷ, cho mãi sau 1954, đề tài văn hóa văn nghệ Thanh Hóa mới được giới khoa học, trong chế độ mới, chú ý trở lại. Và khởi đầu hăng hái, có mục đích rõ ràng là nhóm Lam Sơn. Chỉ mấy năm sau khi xuất hiện, nhóm đã trình làng những thành quả sưu tầm rất đáng chú ý: Ca dao sưu tầm ở Thanh Hóa (Nhóm Lam Sơn, Nxb Văn học, H., 1963); Dân ca Thanh Hóa (Nhóm Lam Sơn, Nxb Văn học, H. 1965)... Như vậy, trong chế độ dân chủ cộng hòa, có thể xếp Lê Huy Trâm vào hàng những nhà nghiên cứu tiên phong về văn hóa dân gian Thanh Hóa. Nên nhớ, về mặt tổ chức nhà nước, ở cấp trung ương, đến năm 1966 mới có Đại hội Hội văn nghệ dân gian Việt Nam. Tháng 3/1967, tổ chức này mới được Chính phủ công nhận. Sau đó mỗi Ty Văn hóa - Thông tin của các tỉnh mới có Tiểu ban Văn nghệ dân gian. Rồi mãi năm 1983, Viện Văn hóa dân gian mới được thành lập.

Nhà nghiên cứu Lê Huy Trâm từng giữ các chức vụ Trưởng ban Văn nghệ dân gian, Hội Văn nghệ Thanh Hóa khóa 5, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Thanh Hóa khóa I.

Nhắc lại để thấy sự nhạy cảm khoa học, ý thức, tình cảm với quê hương Thanh Hóa của nhóm Lam Sơn, từ đó có sự nhìn nhận, đánh giá đúng mực giá trị các công trình nghiên cứu khoa học về Thanh Hóa của các nhà folklore Thanh Hóa nói chung, nhà nghiên cứu Lê Huy Trâm nói riêng. 

Năm 1980, nhà giáo Vũ Ngọc Khánh chuyển ra Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện khoa học xã hội Việt Nam) thì nhóm Lam Sơn cũng không được nhắc đến nữa, nhưng tinh thần Lam Sơn, đề tài văn hóa Thanh Hóa thì vẫn tiếp tục. Đội ngũ cả cũ và mới rất đông đảo: Hoàng Tuấn Phổ, Hoàng Anh Nhân, Minh Hiệu, Trọng Miễn, Hoàng Khôi, Lê Kim Lữ, Lưu Đức Hạnh, Bùi Tiên, Đào Phụng, Vương Anh, Cao Sơn Hải, Lê Kim Lữ, Trần Thị Liên, Hoàng Minh Tường, Mai Hồng Hải… Và Lê Huy Trâm vẫn là một trong những tên tuổi nổi bật, uy tín trong lực lượng nghiên cứu kế tiếp này. Đây cũng là thời kì các nhà nghiên cứu Thanh Hóa công bố nhiều công trình khoa học về văn hóa hóa văn nghệ Xứ Thanh. Trong đó, những công trình nổi bật, bề thế nhất như Địa chí Thanh Hóa, Lễ tục lễ hội truyền thống Xứ Thanh… của các nhóm tác giả đều có tên Lê Huy Trâm.

Nhà nghiên cứu Đào Phụng - Chi hội trưởng Chi hội Văn học dân gian Việt Nam tại Thanh Hóa đã có những đánh giá rất trang trọng: “Do có nhiều công trình được công bố liên tục, nhà giáo Lê Huy Trâm trở thành nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian có uy tín trong tỉnh, được giới nghiên cứu Folklore trong nước quý mến và trân trọng”[6]. Nhiều bạn bè của ông có tầm cỡ chuyên gia nhà nước về văn hóa văn nghệ dân gian. Chính nhờ mối quan hệ với giới văn nghệ mà ông cùng TS. Mai Thị Hồng Hải, năm 1999, đã tổ chức được một lớp học cao cấp về nghiệp vụ nghiên cứu văn hóa dân gian tại Trường Đại học Hồng Đức. Lớp đã được nghe các chuyên đề do các chuyên gia đầu ngành về văn hóa dân gian giảng dạy: Diễn trình lịch sử Văn hóa Việt Nam (GS. Trần Quốc Vượng), Những biểu hiện tin ngưỡng trong văn hóa dân gian… (GS. Tô Ngọc Thanh), Những vấn đề thời sự về thi pháp học và thi pháp ca dao (PGS.TS. Nguyễn Xuân Kính)… Đây là cơ hội tuyệt vời để các giảng viên và sinh viên của trường cùng với đông đảo giới nghiên cứu văn hóa dân gian ở một địa phương xa thủ đô, được tiếp cận những kiến thức chuyên sâu, hiện đại, ở cấp độ sau đại học về ngành Folklore.

3. Lê Huy Trâm là một chuyên gia về văn hóa, văn nghệ dân gian Thanh Hóa

Sự phân biệt ngôi thứ ở nhà khoa học không phải là chuyện bằng cấp mà ở cấp độ chuyên gia. Dù bằng cấp có nhiều, sản phẩm kiểu “bách hóa”, nhưng không cái gì dài hơi, sâu sắc, thì rất khó xếp lên cấp độ này. Điểm qua những công trình nghiên cứu về Thanh Hóa, trong đó có tên tác giả Lê Huy Trâm, thấy rõ, kể từ 1960 cho đến 2002, hơn bốn mươi năm, nổi bật xuyên suốt trong tiến trình nghiên cứu của Lê Huy Trâm là đề tài Thanh Hóa: Ca dao sưu tầm ở Thanh Hóa (Nxb Văn học, H., 1963); Dân ca Thanh Hóa (Nxb Văn học, H., 1965); Ca dao kháng chiến Thanh Hóa (Nxb Thanh Hóa, 1980), Tục ngữ - dân ca - vè miền xuôi Thanh Hóa (Nxb Thanh Hóa, 1983); Văn hóa dân gian truyền thống Định Tường (Nxb Thanh Hóa, 1983); Truyện cổ dân gian miền xuôi (Nxb Thanh Hóa, 1984); Kẻ Rỵ, Kẻ Chè (Nxb Thanh Hóa, 1985); Nhân vật thần kì (Nxb Kim đồng, 1900); Hương đất Cầu Quan (Nxb Thanh Hóa, 1991); Khảo sát văn hóa làng Xứ Thanh (Nxb Khoa học xã hội, H., 1993); Địa chí Nông Cống (Nxb Khoa học xã hội, H., 1998); Địa chí Thanh Hóa – Tập II (Nxb Văn hóa thông tin, H., 2000); Lễ tục lễ hội truyền thống xứ Thanh (Nxb Văn hóa dân tộc, H., 2001)… Như vậy, văn hóa dân gian Thanh Hóa là trọng tâm chú ý, là nội dung chủ yếu, thể hiện giá trị cốt lõi trong các công trình của ông. Sự kiên trì, nhất quán, định hướng trong hoạt động khoa học như vậy là rất đáng kính nể. Xét về tiêu chí phạm vi nghiên cứu, tác giả Lê Huy Trâm xứng đáng xếp vào hàng chuyên gia, một nhà Thanh Hóa học.

Hoạt động khoa học của nhà nghiên cứu Lê Huy Trâm gồm hai tuyến: sưu tầm và nghiên cứu. Về sưu tầm, ông đã bỏ công sức, lặn lội, ghi chép, góp nhặt, nên đã sở hữu nhiều tư liệu văn học, văn hóa dân gian Thanh Hóa. Nhà folklore cũng như nhà sử học, họ phải đi ngược. Cuộc sống thì tiến lên, còn hướng nhìn của họ lại là quá khứ dĩ vãng. Nhưng nếu nhà sử học có thể khai quật lịch sử trong các di vật cụ thể trực quan, thì nhà nghiên cứu văn hóa dân gian phần lớn chỉ có thể quan sát, đo đếm qua những “di vật” vô hình. Một câu hát của anh lái đò hay cô cấy lúa, một cái tên gợi về những câu chuyện xa xưa, một điệu múa mà diễn viên đã già, diễn lại, chắp vá qua trí nhớ… đối với người bình thường dễ bỏ qua, nhưng với một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lại là những tín hiệu khoa học vô giá. Đó sẽ là các điểm khởi đầu để kết nối phác họa hình dáng lịch sử văn hóa. Người viết bài này có lần đã từng chứng kiến thầy giáo Lê Huy Trâm thời đầu đi sưu tầm tư liệu. Không máy ảnh, ghi âm, chỉ có bút mực, giấy và trí nhớ. Không có tổ chức, ban bệ, nhân lực, kinh phí cũng không, chỉ một xe đạp cọc cạch, chiếc cặp giáo viên sờn cũ. “Giám đốc một thành viên” nhưng vẫn hoàn tất nhiều công đoạn: Lập kế hoạch / Đi tiền trạm / Chuẩn bị / Thực hiện điền dã / Xử lý tư liệu… Mới thấy những giọt mồ hôi thấm đẫm trên những trang ghi chép của nhà sưu tầm. Muốn viết được trò diễn, không thể ngồi ở nhà đọc bài miêu tả của người khác hay chỉ dựa vào băng hình, mà phải đến chỗ diễn trò. Đã vậy, lấy diễn viên đâu mà diễn. Người tổ chức phải bắt đầu từ việc gặp gỡ những ông bà già cụ kị móm mém. Muốn mô tả được nghệ thuật đúc đồng trong Kẻ Dỵ, Kẻ Chè, nhất định phải đứng sát vào lò than đỏ rực, khuôn đúc nóng bỏng… cùng với người thợ đồng.

Đọc từng trang công trình của Lê Huy Trâm, có thể hình dung dấu chân của ông in khắp những nẻo đường trải dài từ rừng xuống biến. Đây là những địa danh trong Khảo sát hát ca công Thanh Hóa: Làng ca công Ngọc Trung, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân / Giáp ca công Bàn Thạch, xã Xuân Quang, Thọ Xuân / làng Bái Thủy, xã Định Liên, huyện Yên Định / Thành Tây đô, xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc / làng Văn Trinh, xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương / làng Đoài, xã Trường Trung, huyện Nông Cống / làng Tràn (Tòng Tân), xã Thiệu Tân, Thiệu Hóa / làng Bái Hà, xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc / Thị xã Thanh Hóa: Cửa Hậu, Quán Giò, Cầu Sâng, Cầu Chanh… Còn đây là chặng đường đi tìm những Lễ tục, Lễ Hội truyền thống Xứ Thanh: làng Thiết Đanh, Yên Định / Đền Độc Cước, Sầm Sơn / làng Cự Nham, Quảng Xương / các xã: Đông Ninh, Đông Hòa, Đông Thịnh, Đông Xuân, Đông Anh, thuộc huyện Đông Sơn / làng Mưng, Nông Cống /Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa / Lam Kinh, Thọ Xuân… Chắc chắn, nhà nghiên cứu không thể ngồi nhà tưởng tượng, hư cấu để “khảo tả” về địa chí, về văn hóa ẩn chứa trong nhiều xóm nhiều làng ở khắp mọi vùng miền. Ngoài chuyện điền dã, còn phải tra cứu trong hàng loạt thư tịch cổ Hán Nôm, mới dám đưa ra những phán đoán, nhận xét.

Có thể phác thảo tiến trình Lê Huy Trâm trở thành một nhà Thanh Hóa học: những năm 60: công bố sản phẩm sưu tầm; những năm 70, 80: công bố những sách địa chí về làng xã (Văn hóa dân gian truyền thống Định Tường, Kẻ Dỵ, Kẻ Chè); những năm 90 đến 2000: những công trình văn hóa mang cấp độ huyện, tỉnh (Hương đất Cầu Quan, Địa chí Nông Cống, Khảo sát văn hóa làng Xứ Thanh, Địa chí Thanh Hóa…). Tất nhiên hai công việc sưu tầm và nghiên cứu không theo thứ tự tuyến tính mà luôn đan cài vào nhau trong suốt sự nghiệp khoa học của ông. Từ đây có thể thấy sự mở rộng biên độ khoa học của nhà nghiên cứu. Từ thấp đến cao, từ điểm đến diện, từ nông đến sâu, cho thấy hoạt động nghiên cứu của ông đi những bước rất cơ bản, chắc chắn. Bắt đầu với những ghi chép câu ca, chuyện kể, tên đất, tên làng, đến những đám rước, trò diễn nơi xóm thôn heo hút, Lê Huy Trâm đã khám phá giá trị nhân sinh nơi sâu thẳm tâm hồn của người Cửu Chân xưa. Từ sưu tầm văn học dân gian, đến nghiên cứu địa chí, từ khảo tả lễ hội lễ tục để rồi vươn lên khám phá tầng sâu văn hóa Xứ Thanh. Con đường khoa học, với nhà nghiên cứu Lê Huy Trâm, không có lối tắt, không đi tắt, không có chuyện ngày một ngày hai mà trải dài tới bốn thập kỷ. Bàn chân chỉ chịu dừng bước khi trái tim ông ngừng đập, năm 2002.

4. Lê Huy Trâm là một kho tư liệu văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú

Với hàng chục đầu sách bao gồm hàng nghìn trang mà nhà Thanh Hóa học này để lại, để có những đánh giá chính xác, cần phải có một công trình nghiên cứu toàn diện. Cũng xin nói thêm, trong rất nhiều sách, thường đồng tác giả với ông là nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân. Trong giới khoa học Xứ Thanh, ai cũng biết tình bạn và sự hợp tác khoa học giữa hai ông. Chắc chắn những ý tưởng và nhận định khoa học trong công trình của hai vị luôn có sự hợp tác. Hy vong có dịp sẽ được nghiên cứu giới thiệu về ông. Ở đây, do chủ đề đã chọn, trong bài viết ngắn này chỉ nói về tác giả Lê Huy Trâm. Xin nêu một số thu hoạch trong khi đọc một số công trình có tên tác giả Lê Huy Trâm như sau:

Lê Huy Trâm là một trong những nhà nghiên cứu đã có công rất lớn trong việc ghi nhớ, lưu giữ những tư liệu văn hóa phi vật thể của tỉnh Thanh. Gia tài khoa học của ông đã góp một số lượng lớn “hiện vật” vào kho tư liệu khá đồ sộ về văn hóa văn nghệ Xứ Thanh. Và có thể nói, những ai có ý định tìm hiểu hay nghiên cứu về Thanh Hóa, không thể không quan tâm những tư liệu rất đáng quý này. Theo địa chỉ khảo cứu trong công trình của ông, ngành du lịch có thể vẽ được bản đồ địa danh du lịch lễ hội tỉnh Thanh. Ngành văn học nghệ thuật sẽ tìm tư liệu về nhiều phương diện. Về văn chương dân gian, là khối lượng lớn những câu ca dao, lời ca, bài hát, những truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích... Về âm nhạc, là những mô tả về hò Sông Mã, ru Tĩnh Gia, hát chèo thuyền, hát lễ, hát ca công… Về trò diễn, là các khảo tả chi tiết, phong phú: trò Rủn (gồm 11 loại: trò Xiêm Thành, trò Tô Vũ, trò múa đèn…), trò Chụt, trò Xuân Phả, trò Chiềng… Nhà địa lịch sử có thể tìm tư liệu để vẽ bản đồ lịch sử hành chính Thanh Hóa, với những tên đất, tên làng chỉ còn trong kí ức. Nhà tổ chức xã hội có thể tham khảo hệ thống quản lý làng xã xưa. Những quy định xếp thứ bậc, nghĩa vụ trong làng căn cứ vào tuổi tác, những quy ước thể hiện sự trân trọng đổi với người cao tuổi trong làng xã, cách huy động kinh phí cho các sinh hoạt cộng đồng… Nhà quản lý văn hóa, tổ chức lễ hội, sẽ có được kiến thức khá tổng hợp về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, cách tổ chức các hoạt động cộng đồng qua những trang khảo tả: Lễ tục làng Thiết Đanh, lễ hội đền Độc Cước, lễ hội làng Cự Nham, lễ hội đền Mưng...

Trong tư liệu này, nhiều chuyện không chỉ với bên ngoài, mà chính người Thanh Hóa chắc chưa mấy ai thông tỏ. Ví như, Trò Chụt ở làng Thiết Đanh, Định Tường, Yên Định. Một lần diễn có tới 40 “diễn viên”, đều là người trong làng. Nhân vật khá đa dạng: Hai lính dẹp đường, hai con bò (do người đóng), hai vợ lính, một léo mõ, một anh câu ếch, bốn con chơi, tám o trống quân, sáu anh kéo lưới, một ông thần rừng, một con khỉ (người đóng), một thầy học, một thầy địa lý, một bà cốt, một thầy bói, hai anh thợ mộc, hai thợ xây, hai thờ rèn, một chú khách, một chú Mường, “năm nào thịnh vượng (…) số con trò có thể gấp đôi gấp ba”. Sân khấu “là con đường làng từ Nghè làng đến cây đa Quán”. Nhân vật là sự hóa thân mọi thành phần, nghề nghiệp… trong làng xóm. Cốt truyện, lời ca gắn với công việc thường ngày, và hoàn toàn ứng tác, tùy biến… Nhà nghiên cứu Lê Huy Trâm đánh giá: “Có thể xếp loại diễn xuất Trò Chụt vào lớp Trò Nhại của sân khấu cổ sơ. Như vậy, ý nghĩa khoa học của Trò Chụt trong nghiên cứu sân khấu dân tộc sẽ rất lớn”[7]. Có rất nhiều tư liệu thú vị như vậy.

Từ kho tư liệu phong phú này có thể rút ra những ý nghĩa, những gợi ý khoa học bổ ích: Thứ nhất, Thanh Hóa có tới 50 lễ hội với nhiều chùa chiền, đình nghè khá nổi tiếng, trong đó có 15 lễ hội được nhóm khảo tả kĩ lưỡng, đầy đủ. Như vậy, không phải chỉ Bắc Ninh mà Thanh Hóa cũng là một trung tâm hội hè đình đám. Cái khác là ở Bắc Ninh, nhiều thứ của cha ông, con cháu còn lưu giữ được, còn Thanh Hóa hầu như đã mai một gần hết. Thứ hai, Lễ và hội không phải là “tàn tích phong kiến mang màu sắc mê tín dị đoan” mà là “nhân tố cấu thành của Hội làng”, là những “hoạt động văn hóa” có ý nghĩa to lớn đối với người xưa nói chung và Thanh Hóa nói riêng. “Trong cộng đồng làng, lễ hội là tất cả, thiêng liêng vô cùng. Một năm vất vả cực nhọc đủ điều đến ngày lễ hội người dân trong làng hầu như rũ sạch tất cả để sống một cuộc sống khác, tiếp tục với những cái vui nhất, đẹp nhất, ngon nhất… và thỏa thuê nhất (…), thăng hoa”, “mang tính văn hóa hướng thiện”. Ngày Hội làng tất nhiên có lễ thần, cầu thánh. Nhưng thần thánh không phải là ma quái, quỉ quái biết mặc cả tiền như bây giờ, mà đối với người xưa, đó là “Thánh mẫu”, “Đức Thánh”… là biểu tượng “bảo hộ dân làng nhân khang vật thịnh, giữ gìn văn hóa làng một cách chuẩn mực. Tục cũng không phải là mê tín hủ lậu, mà đó là phong tục là chuẩn mực, phép ứng xử, là “thước đo quyền lợi và nghĩa vụ của mối thành viên trong cộng đồng làng xóm”. Cho nên, trong Hội làng, việc tâm linh tế lễ thần thánh thường ngắn, vừa phải, còn chủ yếu thời gian là giành cho hội hè. Nghè, đình, chùa có tính thần bí, nhưng là “mảnh hồn làng” thiêng liêng mà rất gần gũi, có ý nghĩa giáo dục sự tôn nghiêm của cộng đồng, hun đúc từ đáy lòng mỗi con người tình cảm quê hương. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng nhà văn hóa ở xóm thôn. Nhưng thử hỏi, thiết chế ấy có chứa đựng được những giá trị tinh thần để thay thế mái đình làng rêu phong tôn nghiêm mà gần gủi của người Việt ngàn xưa? Thứ ba, chỉ có người bản địa mới là chủ nhân đích thực của lễ hội, lễ tục. Các cụ không đợi công văn hướng dẫn của bộ nọ, cấp kia từ triều đình, mà tự tạo ra lễ hội, tự ứng tác, tự biên tự diễn, tự lo kinh phí. Hội làng là biểu hiện sinh động của những hoạt động văn hóa văn nghệ mang tính quần chúng thực sự: dân chủ, tự chủ, tự phát. Nhân dân tự tổ chức, nhân dân tự thụ hưởng. Mỗi dịp Hội làng, người giàu kẻ nghèo đều được sống trong niềm vui lễ hội. Người nông dân vừa là khán giả vừa là diễn viên tham gia vào mọi tiết mục văn nghệ thể thao giải trí. Mọi thành viên đều được tự thể hiện tài năng, tình cảm và được dân làng thưởng thức, lắng nghe. Lễ hội, lễ tục cổ xưa chính là cách thức để cha ông ta tạo ra môi trường nuôi dưỡng, một sợ dây, chất keo đoàn kết cộng đồng một cách tự nhiên và hồn nhiên nhất. Có lẽ hầu hết các dân tộc trên thế giới đều có lễ hội. Ngăn cấm lễ hội, lễ tục truyền thống là tự mình cắt đứt sợi dây níu giữ, chất keo gắn kết giữa con người với con người. Lễ tục lễ hội cho một địa phương, có tuổi đời ngàn năm, nên không thể sinh trong một khoảnh khắc, với một mệnh lệnh hành chính từ một cấp nào đó, với một ý định tuyên truyền nhất thời.

5. Lê Huy Trâm có nhiều đóng góp xây dựng phương pháp luận nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian

Lễ tục lễ hội là hiện thân của văn hoa dân gian. Bởi vậy, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, phần việc khảo tả lễ thục lễ hội quan trọng nhất. Hội làng, đình đám đã hơn nửa thể kỉ bị quên lãng, bây giờ muốn tái hiện là quá khó. Đối với nhà nghiên cứu mới bước vào nghề quả là gian nan chồng chất. Thiết nghĩ, qua những trang viết của nhà nghiên cứu Lê Huy Trâm, một Phương pháp luận khảo tả lễ hội lễ tục đã được xây dựng với bốn 4 nội dung sau đây:

Trước hết, phải xuất phát từ tình cảm, ý thức trách nhiệm đối với văn hóa cổ truyền. Đây là những dòng ông viết về hát ca công Thanh Hóa: “Trải qua trên 50 năm (1945 – 1999), ngày nay tìm về các làng hát thì di tích đổ nát, hoang tàn, có nơi hầu như mất hết dấu vết, chỉ còn lưu trong kí ức; tìm đến các bậc già cả thì trí nhớ có phần lẫn lộn lại thêm có chỗ “giải thích gán ghép tân kỳ”; gặp các nghệ nhân đàn hát xưa thì đều già nua khó bề ghi lại âm điệu đàn hát, tay sênh tay phách có phần rời rạc lỗi nhịp”[8]. Còn đây là những dòng ông viết về chuyện Nghè Sâm (xã Đông Xuân, Đông Sơn) bị phá năm 1953: “Rất tiếc là Nghè Sâm bị phá, dấu tích không còn, các đạo sắc phong, các đồ tế khí mất hết. Việc tế lễ ngoài các thủ tục như các nơi, hiện nay khó bề tả lại”. Đọc Lê Huy Trâm thấy có rất nhiều dòng cảm thương nuối tiếc u hoài, thậm chí đau đớn như vậy. Nhưng nhà nghiên cứu không bó tay than thở mà ông xác định: “nếu bỏ qua để cho chìm trong quên lãng không còn dấu vết gì trong đời sống (…) hiện đại thì đó là một tội lớn đối với tổ tiên (…), trước hết là trách nhiệm của những người Thanh Hóa, những người đang hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ dân gian, văn hóa dân gian”[9]. Ta có thể hiểu cái gì đã thôi thúc, níu chân và làm nên thành công của nhà khoa học Lê Huy Trâm. Và nếu nghiên cứu văn hóa chỉ vì một mệnh lệnh hành chính hoặc thực hiện chỉ theo thời điểm một dự án thì liệu có thể hành trang bốn mươi năm theo đuổi với Hội làng, có thể công bố một khối lượng khoa học bề thế như vậy?

Thứ hai, cần xác định một thái độ khiêm tốn, khoa học: “tiến hành một cách thận trọng, ghi chép tỉ mỉ hỏi han các bậc già cả, nhiều lần, có đối chiếu so sánh nhiều mặt từ tục lệ, hương ước, ngôn ngữ, khảo sát tận thuộc địa… đối chiếu với sách vở còn ghi chép lại được để biên soạn từng lẽ hội càng nguyên dạng, nguyên sơ càng tốt, cố gắng loại bỏ các yếu tố gán ghép, hiện đại hóa trang khi khảo tả Lễ hội “[10]. “Chỗ không biết phải nói “không biết”, chứ không chắp vá một các cẩu thả”[11]. Các tác giả giới giới thiệu 15 đơn vị lễ hội, nhưng chỉ với mục đích “Trưng cầu sự bổ sung”, “mở đầu sự nghiên cứu”, “gợi ra sự cộng hưởng chung”, và luôn đưa ra những kết luận mở. Chính uyHuya Trâm đề toát nên một tinh thần khiem tốn, khoaLeêthái độ khiếm tốn, khoa học đã tạo nên sự hấp dẫn, đáng tin của những công trình mang tên Lê Huy Trâm. Điều này giúp cho nhà sưu tầm tránh được lỗi của một số người nghiên cứu, có nhiều bằng cấp, học vị dễ có thái độ coi thường những gì dân dã; tự vẽ ra kịch bản, hoặc nói như GS. Tô Ngọc Thanh là “mớm cung” cho người bản địa, kết quả là cho ra những bản “khảo tả giả mạo”.

Thứ ba, luôn tuân thủ nguyên tắc khảo tả lễ hội lễ tục trong hệ tọa độ ba chiều: 1- Quá trình sinh thành; 2- Mảnh đất nuôi dưỡng; 3- Chủ thể hoạt động. Để quan sát, nghiên cứu, nhà sử học có thể đem cổ vật về phòng thí nghiệm, về bảo tàng; nhà y học có thể đưa bệnh phẩm về những trung tâm y khoa lớn. Nhưng nhà văn hóa dân gian không thể tách lễ hội, lễ tục, ra khỏi Hội làng nơi đã cấp dưỡng chất, cũng như những nhà nông, nhà ngư, nhà đò… - chủ thể đã sinh ra nó. Muốn khảo tả trò Chụt, nhất định phải về làng Thiết Đanh, Yên Định; tìm hiểu lễ hội Nghè Sâm, thì phải về Kẻ Rủn (nay thuộc sáu xã huyện Đông Sơn); lễ tục Pồn Pôông, thì phải lên núi rừng địa bàn cư trú của người Mường; hò sông Mã phải đi dò dọc… Ở một phương diện khác, cũng không thể tách bạch nghiên cứu riêng lễ và hội, ca từ và vũ đạo, ẩm thực hay âm nhạc… mà tất cả các yếu tố đều đặt trong tổng thể hoạt động của một cộng đồng văn hóa, cộng đồng dân cư xác định. Lí do đơn giản chỉ vì cái hồn của lễ tục lễ hội là văn hóa, mà văn hóa là tinh thần là “phi vật thể”, nơi nó sinh ra lớn lên là trong lòng con người với một thời gian, không gian xác định. Nguyên tắc này không những có ích cho việc nghiên cứu văn hóa quá khứ mà còn rất thiết thực với việc tổ chức lễ hội hiện đại. Một lễ hội mà cán bộ văn hóa ở xa đến viết kịch bản; diễn viên trung ương về biểu diễn; thời gian, không gian tổ chức do ý kiến chủ quan của chính quyền và nhà tài trợ, người dân địa phương chỉ là khán giả ngoài cuộc, liệu hiệu quả văn hóa sẽ thu được bao nhiêu, liệu có sức sống lâu dài?

Thứ tư, hệ thống thao tác khảo tả lễ hội cụ thể: Khảo tả qua các phương diện: Địa phương / Thần tích / Đền miếu / Tục lệ / Phần tế lễ / Hội hè / Cỗ bàn. Đây có thể là nhưng thao tác bếp núc nghiên cứu hết sức cần thiết. Điều này chắc chắn vừa bớt đi biết bao chập chững, bỡ ngỡ cho những người mới vào nghề, vừa là gợi ý những tiêu chí đánh giá mức độ thành công của những lễ hội hiện đại.

Như vậy, nếu nói đến việc xây dựng phương pháp luận nghiên cứu văn hóa dân gian, chắc chắn không thể quên công sức của nhà nghiên cứu Lê Huy Trâm.

***

Sau 1945, nhất là sau 1954, chiến tranh cùng với những ấu trĩ về quản lí và nhận thức đã rạch một lát cắt nặng nề, hậu quả là gây ra sự đứt gãy văn hóa Hội làng, không thể hàn gắn. Lớp người sinh sau 1954, không ai được nhìn, được nghe, được sống trong không khí hội hè của làng quê nữa. Đình chùa bị phá, lễ hội bị coi là tàn tích phong kiến, mê tín dị đoan, nghệ nhân thui chột… Thử hỏi làng quê trong kí ức của những người Việt sau 1954 là gì? Không phải những nhà nghiên cứu trẻ hiện nay không có đủ năng lực và nhiệt tình khoa học, mà những chứng nhân của một thời đã qua đã mất gần hết, thời gian đã xóa mờ hết những gì trong trí nhớ của họ. Sợ rằng, nhà nghiên cứu Lê Huy Trâm là lớp những nhà nghiên cứu cuối cùng, được nhìn mặt, nghe tiếng của những người “muôn năm cũ”?

Ngành văn hóa dân gian Thanh Hóa chắc phải cảm ơn những nhà khoa học thế hệ Lê Huy Trâm, những người cả đời đã cặm cụi ghi chép, để những kí ức về một nền văn hóa, về những mảnh hồn làng quê, trên mảnh đất Xứ Thanh nghìn năm tuổi, nơi miền Trung này, không bị lãng quên.

                                                                       Thanh Hóa, tháng 9 / 2021

 

 

[1] Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, https://hnue.edu.vn/nhanvatsukien/p/6556

[2] Cụ Nguyễn Đình Ngân, trước cách mạng cụ từng giữ chức vụ Tham tri Bộ Học (Phạm Quỳnh là Thượng thư), Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc tử giám, Giám đốc Thư viện Hoàng gia. Sau cách mạng, cụ là Viện trưởng Viện Văn hóa Trung bộ, PCH Liên Việt, Liên khu 4, PCT Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Thanh Hóa, ĐBQH khóa 2, đơn vị Thanh Hóa. (thông tin do nhà văn Lưu Đức Hạnh cung cấp).

[3] Theo Thư viện Thích Nhất Hạnh: Sách được biên tập vào khoảng trước năm 1134 thờ Lý, được in 1715, triều Lê, Nguồn: https://web.archive.org/web/20110314021609/http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php)

 

4 Nguồn: https://www.worldcat.org/title/cac-vi-than-th-x-thanh-thanh-hoa-ch-than-luc/oclc/6425067950

[5] Nguồn: http://www.tusachtiengviet.com/images/file/Fs7G_qVI0wgQAEhf/thanh-hoa-quan-phong.pdf.)

[6] Lê Huy Trâm, Khảo sát hát ca công ở Thanh Hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003, tr.5.

[7] Lê Huy Trâm – Hoàng Anh Nhân, Lễ tục, lễ hội truyền thống Xứ Thanh, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001, tr.101.

[8] Lê Huy Trâm, Sđd, tr.13.

[9] Lê Huy Trâm, Sđd, tr.13.

[10] Lê Huy Trâm – Hoàng Anh Nhân, Sđd, tr.9.

[11] Lê Huy Trâm – Hoàng Anh Nhân, Sđd, tr.10.

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN