Nghiên cứu giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa

23/03/2023

Du lịch nông nghiệp (Agritourism) được hiểu là loại hình cung cấp dịch vụ trải nghiệm cho du khách dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Du lịch nông nghiệp mang lại lợi ích về tài chính, giáo dục và xã hội cho khách du lịch, nhà sản xuất và cộng đồng. Khai thác và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp hướng tới tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, tăng hiệu quả tiếp thị sản phẩm nông nghiệp đồng thời góp phần đa dạng sản phẩm cho ngành du lịch là một hướng đi khá phổ biến ở nhiều vùng nông thôn của nước ta. Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng (đứng thứ 4/63), dân số đông (đứng thứ 3/63) với nền nông nghiệp đa dạng là điều kiện để xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp hấp dẫn du khách. Những năm gần đây, du lịch nông nghiệp ở Thanh Hóa đã được quan tâm, khai thác nhằm đa dạng sản phẩm và mang lại những trải nghiệm nông nghiệp thú vị cho du khách trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp Thanh Hóa còn khá nghèo nàn về số lượng điểm đến cũng như các hình thức trải nghiệm được cung cấp cho du khách dẫn đến hiệu quả khai thác chưa cao. Bài báo sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính như thu thập xử lý tài liệu; phân tích, tổng hợp, so sánh, khảo sát thực địa… Trên cơ sở phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức) đối với phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa, tác giả đề xuất một số giải pháp phát triển loại hình du lịch này ở địa phương.

 

Trịnh Thị Phan1
1Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa

 

 

 

ABSTRACT

RESEARCHING SOLUTIONS TO DEVELOP AGRITOURISM

IN THANH HOA PROVINCE

Trinh Thi Phan1

1 Faculty of Social Sciences, Hong Duc University, Thanh Hoa

 

Argriculture tourism (Agritourism) is understood as a type of providing experience services to tourists based on agricultural production activities. Agritourism offers financial, educational and social benefits to tourists, producers and communities. Exploiting and developing agritourism products towards creating jobs, increasing income for farmers, increasing the efficiency of marketing agricultural products and contributing to diversifying products for the tourism industry is a good direction and widely applied in many rural areas of our country.

Thanh Hoa is a province with a large area (ranked 4/63), a large population (3/63) with diverse agriculture, which is a condition for setting up attractive agritourism models. In recent years, agritourism in Thanh Hoa has been interested and exploited in order to diversify products and bring interesting agricultural experiences to tourists inside and outside the province. However, Thanh Hoa agritourism is still quite monotonous in terms of the number of destinations as well as the forms of experiences for visitors, leading to low exploitation efficiency.

The article uses qualitative research methods such as collecting and processing documents; analysis, synthesis, comparison, field survey....Based on SWOT analysis (strengths, weaknesses, opportunities and threats) for agritourism development of Thanh Hoa province, the author proposes some solutions to develop this type of tourism in this locality.

 

Keywords: Solutions, development, agritourism, Thanh Hoa

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Du lịch nông nghiệp là loại hình đã được phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bằng cách kết hợp nông nghiệp và du lịch, du lịch nông nghiệp mang lại nguồn thu mới từ sự đa dạng sản phẩm du lịch cũng như gia tăng giá trị của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Du lịch nông nghiệp thể hiện vai trò hấp dẫn và đóng góp vào việc tạo ra động lực mới cho nông thôn vùng và địa phương [4].

Phát triển du lịch nông nghiệp là xu hướng được quan tâm ở Việt Nam khoảng hai thập kỉ trở lại đây. Trước những tăng trưởng mạnh mẽ của dòng khách trong và ngoài nước, việc đa dạng sản phẩm du lịch, nâng cấp hệ thống điểm đến là nhu cầu tất yếu ở các địa phương; trong đó đặc biệt hướng đến các khu vực nông thôn với truyền thống nông nghiệp lâu đời. Thực tế đã có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã và đang khai thác ở nước ta như trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao, tham quan trang trại, miệt vườn cây ăn trái...ở Đà Lạt, Mộc Châu hay vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Du lịch nông nghiệp trở thành một phương tiện gia tăng thu nhập cho hoạt động nông trại và nông dân, trở thành phương thức xóa đói giảm nghèo hiệu quả [7].

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, song đến nay du lịch Thanh Hóa vẫn phụ thuộc lớn vào sản phẩm nghỉ dưỡng biển với 75,5% tổng lượng khách đón được trên toàn tỉnh [6]. Hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thanh Hóa đã chú trọng đến đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch; trong đó du lịch nông nghiệp cũng bước đầu được khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách đồng thời tạo thêm giá trị gia tăng cho hoạt động nông nghiệp ở địa phương. Mặc dù vậy, du lịch nông nghiệp ở Thanh Hóa còn mang tính tự phát và nhỏ lẻ. Trên cơ sở phân tích SWOT trong việc phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, nghiên cứu đưa ra các định hướng khai thác và đề xuất một số giải pháp khai thác loại hình này ở địa phương theo hướng bền vững.

2. DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Cơ sở dữ liệu

Bài báo sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp được thu thập từ Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa, khảo sát thực địa. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn sử dụng nguồn dữ liệu được thu thập từ đề tài, sách, bài nghiên cứu học thuật trên tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Trong bài viết, tác giả sử dụng các nhóm phương pháp nghiên cứu sau:

- Phương pháp thu thập và xử lý thông tin: nguồn thông tin sử dụng trong bài báo chủ yếu là thông tin thứ cấp.

- Phương pháp phân tích, so sánh và tổng hợp tài liệu: sử dụng để phân tích và xử lý nguồn thông tin thứ cấp thu thập được.

- Phương pháp phân tích SWOT: sử dụng mô hình phân tích SWOT để xác định được những Điểm mạnh (Strengths), Điểm yếu (Weaknesses), Cơ hội (Opportunities) và Thách thức (Threats) của du lịch nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa; làm cơ sở cho việc xây dựng định hướng, đề xuất giải pháp nhằm phát huy điểm mạnh, cơ hội và khắc phục những điểm yếu, hạn chế hướng tới khai thác bền vững loại hình du lịch này ở địa phương.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

2.1. Một số lý luận về du lịch nông nghiệp

2.1.1. Khái niệm

Du lịch nông nghiệp bắt đầu xuất hiện và thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trên thế giới từ những năm 90 của thế kỉ 20; song khái niệm du lịch nông nghiệp cũng được phát biểu khá đa dạng ở các khía cạnh nghiên cứu cũng như các quốc gia khác nhau. Mặc dù vậy, có sự thống nhất tương đối trong các định nghĩa khi cho rằng du lịch nông nghiệp “là việc con người thỏa mãn nhu cầu giải trí và an dưỡng thông qua việc sử dụng, thụ hưởng những giá trị vật chất, tinh thần liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, khu vực nông thôn và những truyền thống, tập quán của nền nông nghiệp” [4].  Theo Bernard Lance (2018), du lịch nông nghiệp (hay còn gọi là các kỳ nghỉ nông trại) là sản phẩm du lịch nông thôn liên quan đến các chuyến thăm quan trang trại trong ngày hoặc có lưu trú [10].

Nghiên cứu về hình thức trải nghiệm, nhiều công bố cho rằng du lịch nông nghiệp thường bao gồm nhiều hoạt động, chẳng hạn như thăm quan hàng ngày, tự thu hoạch để giải trí, săn bắn và câu cá có thu phí, quan sát thiên nhiên và động vật hoang dã, và các hoạt động ngoài trời khác. Du lịch nông nghiệp có thể được xây dựng dựa trên tài sản của nông dân (đất đai, tài sản nông nghiệp và văn hóa nông nghiệp của họ) mà khách du lịch đến để trải nghiệm. Phong cảnh ruộng lúa và vườn nho, đồ ăn thức uống từ các sản phẩm nông nghiệp (rau, trái cây, v.v.), đồ lưu niệm từ các sản phẩm địa phương (thủ công mỹ nghệ) là những gì mà khách sẽ sử dụng cho mục đích giải trí ở hoạt động du lịch nông nghiệp.

Theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) du lịch nông nghiệp cũng là một sản phẩm của du lịch nông thôn khi tổ chức này quan niệm “Du lịch nông thôn là một loại hoạt động du lịch trong đó trải nghiệm của du khách thường liên quan đến các hoạt động dựa vào thiên nhiên, nông nghiệp, lối sống / văn hóa nông thôn, câu cá và tham quan” [9].

Ở Việt Nam, khoảng 2 thập niên trở lại đây, các nhà khoa học cũng đã chú ý đến du lịch nông nghiệp trong các nghiên cứu địa lí và du lịch. Theo Nguyễn Thị Sơn (2014), du lịch nông nghiệp “chỉ hoạt động tham quan trang trại hoặc các quá trình sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp với mục đích nhận thức, sở thích, giáo dục hoặc nghỉ dưỡng, bao hàm trong đó cả tài nguyên nông nghiệp, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn” [5].

Nội hàm của du lịch nông nghiệp theo các nhà nghiên cứu ở Việt Nam cơ bản được hiểu là: (1) sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; (2) mục đích tăng thu nhập cho nông dân; (3) tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông; (4) điểm đặc biệt của du lịch nông nghiệp chính là sự kết hợp giữa các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa truyền thống tại khu vực nông thôn [4]. Đây cũng là nội hàm về du lịch nông nghiệp được vận dụng trong nghiên cứu này.

2.1.2. Vai trò của du lịch nông nghiệp

Du lịch nông nghiệp là loại hình cần có sự liên kết chặt chẽ giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân với việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ phục du lịch vụ nhu cầu của du khách. Bởi vậy, đối tượng tham gia trực tiếp trong du lịch nông nghiệp bao gồm cả nông dân, doanh nghiệp du lịch và khách du lịch. Ở các khía cạnh khác nhau họ đều được hưởng lợi ích từ phát triển sản phẩm du lịch này. Tuy vậy, có thể xem xét vai trò của du lịch nông nghiệp trong việc phát triển kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường như sau:

Về kinh tế: du lịch nông nghiệp góp phần gia tăng thu nhập cho người nông dân thông qua việc bán vé tham quan nông trại, cung cấp các dịch vụ gia tăng (câu cá, hái quả, bán nông sản, đồ lưu niệm…), từ đó thúc đẩy sự phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, các ngành kinh tế ở khu vực nông thôn (thu ngoại tệ từ khách du lịch quốc tế, nâng cao giá trị đất đai của địa phương…).

Về xã hội: du lịch nông nghiệp mang lại nhiều cơ hội việc làm cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao mức sống của người dân và phần nào giảm số dân di cư từ nông thôn ra thành thị. Cũng thông qua phát triển du lịch nông nghiệp, kỹ năng và kiến thức về cung cấp các dịch vụ kinh tế của nông dân được quan tâm phát triển, xây dựng năng lực tổ chức và quản lý của địa phương trong khai thác du lịch; giáo dục các kiến thức về khoa học nông nghiệp, hướng tới thú vui trong trải nghiệm lối sống nông thôn cho khách du lịch là thanh niên, học sinh và người dân thành thị [7].

Về tài nguyên và môi trường: thông qua du lịch nông nghiệp nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống nông nghiệp (công trình kiến trúc, làng nghề, lễ hội, phong tục tập quán, các món ăn truyền thống và sản vật địa phương...) được khôi phục và phát triển. Môi trường du lịch nông thôn được bảo vệ, cảnh quan nông nghiệp được phát triển cũng góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Những lợi ích đáng kể đó đã đóng góp vào nỗ lực phát triển du lịch bền vững dưới góc độ tài nguyên và môi trường du lịch [7].

Du lịch nông nghiệp vì thế được xem là hình thức kinh doanh thể hiện đầy đủ các nguyên tắc của nông nghiệp cũng như du lịch bền vững. Du lịch nông nghiệp được coi là “cơ hội thông minh” cho sự phát triển bền vững của các cộng đồng nông thôn với những lợi ích nhân lên ở các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội.

2.1.3. Nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển của du lịch nông nghiệp

Sự phát triển của du lịch nông nghiệp sẽ được xây dựng trên nền tảng của mối quan hệ nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Thực tế cũng cho thấy đây là ba trụ cột làm nên sự thành công của du lịch nông nghiệp. Bởi vậy, sự đa dạng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp dựa trên những thuận lợi của tự nhiên cùng với tập quán sản xuất làm nên sức hút cho các nông trại, kích thích sự tò mò, khám phá và trải nghiệm của du khách. Người nông dân với những kiến thức bản địa phong phú, dày dặn kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp cùng bản tính hồn hậu, chất phác và hiếu khách là những điểm mạnh để họ đảm nhận thêm vai trò đón tiếp, hướng dẫn và đồng hành cùng trải nghiệm của du khách trên chính nông trang của mình. Quang cảnh vùng nông thôn với sự bình dị, hài hòa của thiên nhiên (nước, ruộng, rừng, núi, sa mạc và hải đảo…) cùng đời sống văn hóa tinh thần phong phú đặc sắc sẽ làm nên một bối cảnh hấp dẫn đối với du khách đến từ thành thị.

Trong nhiều nghiên cứu ở góc độ lãnh thổ, các nhân tố ảnh hưởng tới du lịch nông nghiệp được xem xét ở khía cạnh tác động đến các vùng nông thôn: các yếu tố tự nhiên và văn hóa tạo nên sức hấp dẫn và phân bố của các điểm du lịch nông nghiệp [5]. Theo đó, vị trí địa lý, tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa, thực trạng sản xuất nông nghiệp là nhóm nhân tố tạo nên tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp của lãnh thổ. Bên cạnh đó, những yếu tố kinh tế - xã hội khác bao gồm: dân cư lao động, cơ sở hạ tầng, chính sách, thị trường…cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công của du lịch nông nghiệp ở địa phương.

3.1. Phân tích SWOT đối với phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa

3.1.1. Điểm mạnh

Thanh Hóa là tỉnh nằm ở cửa ngõ phía bắc của Bắc Trung Bộ, có vị trí tiếp giáp với Ninh Bình, Hòa Bình, Nghệ An và nước CHDCND Lào; có đường bờ biển dài hơn 100 km. Thanh Hóa sở hữu những nét riêng của bắc miền Trung lại vừa có sự “nối dài của Bắc Bộ”, là “vùng quá độ và trung độ đặc biệt giữa Bắc và Nam của nước ta cả về địa lý tự nhiên cũng như địa văn hóa. Điều này góp phần hình thành nên những điều kiện phát triển du lịch nông nghiệp vừa đặc thù vừa đa dạng của địa phương.

Thanh Hóa có diện tích lãnh thổ rộng lớn, dân số đông (đứng thứ 4 về diện tích và thứ 3 về dân số của Việt Nam); trong đó ¾ diện tích tự nhiên là đồi núi bao phủ và hơn 80% là vùng nông thôn [3], [8]. Khu vực nông thôn rộng lớn của Thanh Hóa là những vùng đất giàu tài nguyên du lịch cả về tự nhiên và văn hóa. Điều kiện địa hình đa dạng, khí hậu nhiệt đới gió mùa phân hóa theo không gian, thủy văn, sinh vật và tài nguyên biển phong phú đã làm nên bức tranh đa sắc màu; là cơ sở để hình thành cơ cấu đa dạng các loại hình du lịch: du lịch biển đảo, du lịch núi, du lịch sinh thái. Hơn nữa, các tài nguyên văn hóa như di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống…cũng tập trung phần lớn ở vùng nông thôn gắn với không gian sản xuất nông nghiệp.

Nền nông nghiệp Thanh Hóa có truyền thống sản xuất lâu đời cho đến nay vẫn sở hữu hơn 40% nguồn lao động trong toàn tỉnh. Tiềm năng vốn tự nhiên trong sản xuất nông nghiệp cũng mang lại nhiều thế mạnh địa phương: đa dạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp và thuận lợi đối với các mô hình nông lâm kết hợp. Thực trạng phát triển cho thấy, khu vực Nông, Lâm, Thủy sản của Thanh Hóa đóng góp 17,23% cơ cấu GDP toàn tỉnh năm 2020 [3]. Thanh Hóa đứng tốp đầu cả nước về diện tích trồng một số loại cây: lúa (thứ 6/63), lạc (thứ 3/63), khoai lang (thứ 4/63); sản lượng chăn nuôi một số loại như: trâu (thứ 2/63), bò (thứ 7/63), lợn (thứ 4/63), gia cầm (thứ 4/63)… [8]. Ngành trồng trọt ở Thanh Hóa còn phong phú bởi nhiều loại cây ăn quả, cây dược liệu, rau màu…Tổ chức lãnh thổ sản xuất nông hộ và trang trại được chú trọng phát triển. Năm 2020, toàn tỉnh có 871 trang trại ở nhiều loại hình: chăn nuôi (73,3%), nuôi trồng thủy sản (11,5%), trồng trọt (9,5%) và trang trại khác (5,7%) [3]. Sự phát triển của trang trại góp phần thúc đẩy hiệu quả của sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đồng thời là tiền đề cho việc hình thành các tour du lịch tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp cũng như trải nghiệm các hoạt động canh tác nông nghiệp, “tập làm nông dân” từ du khách thành thị. Đặc biệt, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo định hướng hữu cơ, định hướng sinh thái là những hình thức hứa hẹn mang lại nhiều hứng thú cho khách du lịch. Bên cạnh đó, các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh hướng tới đạt chất lượng tốt, an toàn và được chứng nhận OCCOP ngày càng nhiều (196 sản phẩm đạt 3 – 4 sao, 1 sản phẩm 5 sao) [3]. Những sản phẩm có ý nghĩa đặc sản vùng miền này thường sẽ được nhiều du khách lựa chọn tiêu dùng và làm quà sau chuyến du lịch của mình.

Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật của khu vực nông thôn Thanh Hóa ngày càng được hoàn thiện. Toàn tỉnh đã có 12 huyện được công nhận Nông thôn mới (bao gồm 346 xã, 902 thôn) với yêu cầu đạt chuẩn các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, kinh tế và tổ chức sản xuất…đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong đó có du lịch nông nghiệp.

3.1.2. Điểm yếu

Tỉnh Thanh Hóa tuy có lực lượng lao động đông, phân bố ở khu vực nông thôn với tỉ lệ cao (trên 80%) song hạn chế lớn về trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó đa số nông dân lao động ở kinh tế hộ gia đình không qua đào tạo về nông nghiệp, thậm chí trình độ văn hóa thấp. Nhu cầu lao động cho các ngành kinh tế gặp khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh cần thu hút nông dân tham gia cung cấp các dịch vụ của du lịch nông nghiệp.

Thanh Hóa là tỉnh có dân số di cư ra ngoại tỉnh với số lượng lớn. Tỷ suất di cư thuần năm 2020 là -0,22% và chủ yếu từ vùng nông thôn (-0,61%) [3]. Lực lượng di cư thường là lao động trong độ tuổi trẻ, trình độ văn hóa và chuyên môn cao hơn trung bình của dân cư. Hiện nay, nhiều khu vực nông thôn ở Thanh Hóa có tỉ lệ di cư cao nên các hộ gia đình chỉ còn lại người già, người sức khỏe không tốt; không ít nông dân bỏ ruộng; người làm trang trại tìm kiếm lao động thuê cũng gặp khó khăn…đã ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội phát triển kinh tế nông thôn, trong đó có phát triển du lịch.   

Ngành du lịch Thanh Hóa tuy có tốc độ tăng trưởng khá những năm gần đây, song có tính thời vụ sâu sắc do loại hình du lịch biển vẫn chiếm ưu thế. Thời gian cao điểm của khách nghỉ dưỡng biển từ tháng 5 đến tháng 8- đây cũng là khoảng thời gian mùa hè có gió tây nam hoạt động mạnh nên nền nhiệt trung bình cao sẽ gây trở ngại rất lớn đối với việc tổ chức các loại hình du lịch khác, trong đó có du lịch nông nghiệp.

3.1.3. Cơ hội

Ngành du lịch và nông nghiệp đã và đang đứng trước nhiều cơ hội cho phát triển và hợp tác liên ngành, liên vùng, liên quốc gia. Du lịch nông nghiệp với “cơ hội thông minh” cho sự phát triển bền vững ở cả hai lĩnh vực đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới cũng như từ phía khách du lịch nội địa và quốc tế; đặc biệt còn được xem là xu hướng du lịch hậu Covid-19.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều Chương trình, đề án nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong đó đề cao vai trò của du lịch nông thôn, nông nghiệp; cụ thể có: Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCCOP); chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Đặc biệt, ngày 22 tháng 6 năm 2022, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn với quan điểm: “Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn” [1]. Đây là những cơ hội lớn cho nông nghiệp và nông thôn cả nước tiếp cận nhiều ưu tiên về chính sách, đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn 2010 – 2020, nền kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đạt nhiều thành tựu đáng kể: tăng trưởng GRDP và GRDP/người đều ở mức cao (16,3%/năm và 15,7%/năm). Thực trạng đó đã tạo nền tảng cho Thanh Hóa tiếp tục hướng tới mục tiêu “trở thành cực tăng trưởng” của phía bắc theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 [2]. Phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng có nhiều lợi thế để chuyển mình, khởi sắc hơn nữa trong thời gian tới.

3.2.4. Thách thức

Thanh Hóa là địa phương thường gánh chịu nhiều thiên tai như bão, lụt, hạn hán do sự đổ bộ trực tiếp của bão, áp thấp, sự khắc nghiệt của gió mùa tây nam, dải hội tụ nhiệt đới. Sự xuất hiện của các hiện tượng đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như du lịch. Du lịch nông nghiệp vì thế khó tránh khỏi những bất lợi khi khai thác sản phẩm dựa trên sự kết hợp của cả hai lĩnh vực này.

Phát triển du lịch nông nghiệp nói riêng và du lịch nói chung đã và đang có sự cạnh tranh khá gay gắt giữa các tỉnh, các vùng trong cả nước. Du lịch nông nghiệp Thanh Hóa còn ở giai đoạn tự phát, nhỏ lẻ và nghèo nàn; trong khi ở vùng Đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi Bắc Bộ đã khai thác khá nhiều các điểm tham quan nông nghiệp, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ phía du khách. 

Ngoài ra, khai thác hoạt động du lịch nông nghiệp cũng tiềm ẩn một số tác động tiêu cực đối với môi trường nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù được xem là loại hình du lịch có mối quan hệ chặt chẽ với các nguyên tắc phát triển bền vững, song nếu thiếu những công cụ quản lý hiệu quả thì vấn đề ô nhiễm rác thải, ô nhiễm nguồn nước, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi văn hóa, lối sống nông thôn, thay đổi môi trường sinh thái… vẫn là những nguy cơ hiện hữu. Hơn nữa, những thách thức từ các biến động kinh tế, chính trị thế giới và khu vực cũng sẽ tác động đến nhu cầu thị trường của khách du lịch nông nghiệp ở bất kỳ đâu.

3.3. Giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Trên cơ sở phát huy điểm mạnh, cơ hội và khắc phục khó khăn, thách thức; các giải pháp được đề xuất cho phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa bao gồm: giải pháp quy hoạch quản lý, giải pháp thu hút vốn đầu tư, giải pháp xây dựng sản phẩm, giải pháp phát triển nhân lực, xúc tiến quảng bá.

Giải pháp về quy hoạch, quản lý: Các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm rà soát, bổ sung và đề xuất quy hoạch các điểm, khu du lịch nông nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa cũng như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Quy hoạch chú trọng vào các khu vực có thế mạnh phát triển du lịch đồng thời có khả năng liên kết cao trong phát triển tour, tuyến với các loại hình du lịch đang khai thác để góp phần đa dạng sản phẩm cũng như kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến Sầm Sơn, Hải Tiến, Thành Nhà Hồ, Pù Luông. Cụ thể, có thể xây dựng điển hình các mô hình du lịch nông nghiệp ở 3 khu vực địa hình với các địa bàn có nhiều đặc trưng như: đồng bằng và ven biển (Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, Sầm Sơn, Hậu Lộc); đồng bằng và trung du (Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân…); miền núi (Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân…). Việc hoàn thiện các quy hoạch điểm đến sẽ là nền tảng để thu hút đầu tư, ban hành cơ chế chính sách, cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nông nghiệp.

Giải pháp thu hút vốn đầu tư: Vốn đầu tư được ưu tiên cho các lĩnh vực về phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cũng như cơ sở dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn. Du lịch nông nghiệp tuy có thể xem là hình thức không đòi hỏi sự tiện nghi trong lưu trú, cơ sở dịch vụ vui chơi song lại khai thác dựa trên các hoạt động sản xuất nông nghiệp – vốn có nhiều rủi ro từ thiên tai; chủ sở hữu nông trại thường chỉ có vốn tích lũy thấp. Do vậy, nguồn vốn đầu tư cho kinh doanh du lịch nông nghiệp cần được huy động từ nhiều nguồn, trong đó ngân sách Nhà nước có vai trò quan trọng. Đồng thời, cơ chế cho vay vốn đối với các trang trại, hay doanh nghiệp khai thác du lịch nông nghiệp cũng cần ưu tiên về lãi suất, kỳ hạn.

Giải pháp về xây dựng sản phẩm: Xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp phải đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, khám phá và có sự khác biệt, đặc trưng cao so với các điểm đến đã có. Bởi vậy cần có các nghiên cứu, thiết kế và xây dựng mô hình khảo nghiệm thực tế sản phẩm du lịch nông nghiệp ở Thanh Hóa một cách khoa học, đảm bảo tính thực tiễn cao. Sản phẩm phải phát huy được các điểm mạnh, lợi thế trong phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh. Xác định các mô hình đại diện cho hoạt động sản xuất nông nghiệp Thanh Hóa ở cả đồng bằng, trung du và miền núi; đặc biệt quan tâm hơn đến những địa phương đạt chuẩn Nông thôn mới để phát huy lợi thế hạ tầng kinh tế, xã hội đạt được thông qua các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thanh Hóa có thể khai thác các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn với nhiều hoạt động đa dạng trên một điểm đến: hoạt động sản xuất nông nghiệp kết hợp lâm nghiệp; hoạt động khai thác, nuôi trồng hải sản – kết hợp trồng trọt; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hướng sinh thái… Điển hình có thể hoàn thiện sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao ở Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Yên Định; tham quan vườn rừng ở Như Xuân (vườn rừng bản Thổ), Thường Xuân; vườn cây ăn trái ở Yên Định, Thạch Thành… Thiết kế các chương trình, tour dành cho đối tượng học sinh để hướng tới thu hút các chuyến ngoại khóa của học sinh thành phố vào các dịp cuối tuần, kỳ nghỉ ngắn ngày theo tập thể lớp, nhà trường.

   Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực: Du lịch nông nghiệp cần khắc phục hạn chế lớn trong chất lượng nhân lực khi dịch vụ được cung cấp chính từ những người nông dân. Ưu thế của họ là có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về nông nghiệp và văn hóa bản địa, song hầu hết chưa được đào tạo về du lịch cũng như thiếu nhiều kỹ năng trong hoạt động các lĩnh vực dịch vụ. Mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ lao động này là nhu cầu cấp thiết trong phát triển du lịch nông nghiệp. Tổ chức tập huấn ngắn hạn kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho các lao động phục vụ khách ở lĩnh vực du lịch này.

   Giải pháp về xúc tiến, quảng bá: Du lịch nông nghiệp thu hút sự quan tâm lớn ở các nhóm dân cư thành thị, đặc biệt là học sinh và các gia đình có con ở độ tuổi đi học. Giải pháp trước mắt là triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá phù hợp với các nhóm khách này ở các đô thị trong tỉnh, trong đó ưu tiên ở thành phố Thanh Hóa. Đa dạng các hình thức quảng bá kết hợp truyền thống với hiện đại, tích hợp chuyển đổi số và khai thác thế mạnh truyền thông của các mạng xã hội. Khuyến khích các mối liên kết doanh nghiệp với nông dân và chính quyền các địa phương để quảng bá nông sản cũng như điểm đến tham quan của địa phương thông qua các gian trưng bày sản phẩm OCCOP ở các khu, điểm du lịch; các khách sạn, nhà hàng.

4. KẾT LUẬN

Du lịch nông nghiệp đã được đầu tư và khai thác bởi nhiều quốc gia trên thế giới với những định hướng chiến lược, chính sách rõ ràng và được xem như ưu tiên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Du lịch nông nghiệp, đã và đang có vai trò quan trọng và đem đến nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội của người dân vùng nông thôn, góp phần quan trọng trong định hướng phát triển bền vững khu vực nông thôn. Thanh Hóa có nhiều thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp: vị trí địa lí, tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa;  điều kiện sản xuất nông nghiệp… song cũng tồn tại nhiều khó khăn do khí hậu khắc nghiệt, tính thời vụ của du lịch sâu sắc; dân cư nông thôn có trình độ thấp cùng những thách thức của cạnh tranh, của các vấn đề môi trường, chính trị toàn cầu… Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp Thanh Hóa đang đón đầu nhiều cơ hội lớn với các chính sách quan tâm hỗ trợ của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và phục hồi du lịch hậu Covid. Giải pháp quy hoạch, xây dựng sản phẩm, đầu tư, phát triển nhân lực, xúc tiến và quảng bá là rất cần thiết để có thể đưa du lịch nông nghiệp phát triển xứng tầm với những cơ hội và điểm mạnh vốn có của Thanh Hóa. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (2022). Nghị quyết hội nghị lần thứ năm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16 tháng 06 năm 2022.

2. Bộ Chính trị (2020). Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05 tháng 08 năm 2020

3. Cục thống kê Thanh Hóa (2021). Niên giám thống kê năm 2020. NXB Thống kê

4. Ngô Thị Phương Lan, Trần Anh Tiến, Hoàng Ngọc Minh Châu (2020). Du lịch nông nghiệp – Từ kinh nghiệm ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến sự phát triển tại huyện Yeongdong, tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc. Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ - Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM), 4(2), 365–375. https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i2.553

5. Nguyễn Thị Sơn, Nguyễn Phú Thắng (2014).Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh An Giang. Tạp Chí Khoa Học ĐHSP TP HCM, số 63.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (2021). Cập nhật kết quả hoạt động du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020. Đánh giá cơ hội và thách thức đối với du lịch Thanh Hóa trong bối cảnh mới.

7. Nguyễn Quang Thi và Đồng tác giả (2020). Potential of agritourism in Võ Nhai district. TNU Journal of Science and Technology, 225(03), 133–142.

8. Tổng cục Thống kê Việt Nam. (2021). Niên giám thống kê Việt Nam 2021. NXB Thống kê.

9. UNWTO, Rural Tourism. https://www.unwto.org/rural-tourism

10. Bernard Lane, E. K. (2018). Rural Tourism: New Concepts, New Research, New Practice. Routledge.

 

(Bài đăng trên Kỷ yếu Hội nghị khoa học Địa lý toàn quốc lần thứ 13 – Sơn Tây, tháng 11/2022)

 

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN