25/10/2021
Nhà thơ Cầm Giang (1931-1989) có tên khai sinh là Lê Gia Hợp, tên thường gọi là Lương Cầm Giang. Ông sinh ra ở ngôi làng xinh đẹp nổi tiếng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, sau này sống ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Nghề nghiệp chính của ông là sơ cấp y tế và dạy học. Là người được học hành tử tế, học giỏi, ông đã dịch thơ Victor Huygo, văn O. Banzac… Ông biết nhiều, viết khỏe, nói nói năng diễn đạt rõ ràng, rành mạch, kể chuyện hài hước hấp dẫn, phảng phất ngữ âm xứ Thanh.
Là người con của Thanh Hóa nhưng Cầm Giang lại là một nhà thơ nổi tiếng của miền núi Tây Bắc. Nhiều người mặc nhiên cho là ông sinh ra và lớn lên ở Tây Bắc bởi chỉ có thể là con đẻ của Tây Bắc mới có thể làm thơ về Tây Bắc hay đến thế. Sự nghiệp sáng tác của ông có đóng góp to lớn vào nền văn học nước nhà, đã được Hội Nhà văn Việt Nam xác nhận và tôn vinh. Năm 2010, Hội Nhà văn Việt Nam đã ra quyết định công nhận Cầm Giang là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam để tri âm một nhà thơ tài hoa, trong đó có nhiều bài thơ nổi tiếng đóng góp không nhỏ cho nền thơ ca đương đại Việt Nam.
Mặc dù sinh ra trong gia đình khá giả, bản thân giỏi giang nhưng Cầm Giang có một cuộc đời thơ và đời thực nhiều trắc trở. Do ảnh hưởng của nhóm Tự lực văn đoàn, năm 15 tuổi khi đang học trung học đã bỏ nhà ra Hà Nội bán báo kiếm sống. Thời gian này, ông được ông Lương Hữu Ca (quê Vĩnh Phúc, ở Hà Nội) cưu mang. Đến khi 18 tuổi, Cầm Giang vào Vệ Quốc Quân. Ông tự đặt cho mình cái tên Cẩm Giang (một địa danh của vùng quê Thanh Hóa) và lấy họ của cha nuôi là họ Lương. Vậy cái bút danh Cầm Giang do đâu mà có? Lỗi do người đánh máy nhầm Cẩm Giang thành Cầm Giang (vì ở Tây Bắc chỉ có họ Cầm, chứ không có họ Cẩm).
Còn cái bút danh của hai bài thơ tình nổi tiếng Em tắm và Nhớ vợ của ông lại có tên Cầm Vĩnh Ui và Bạc Văn Ùi do dâu mà có?... Bây giờ nghe ra có vẻ rất khó tin, nhưng lại đúng với thời đó. Những năm đầu cách mạng báo chí rất kỵ kiểu thơ tình, lãng mạn, lại với lý lịch địa chủ, học trường Pháp, ảnh hưởng thơ mới, nếu sáng tác mà lấy tên tác giả Lê Gia Hợp thì rất khó được in. Hơn nữa những bài thơ như Em tắm, Nhớ vợ… với những chi tiết nude ở thời điểm đó là không thích hợp. Với giải pháp lấy tên tác giả là dân tộc thiểu số để Ban biên tập cho rằng: dân tộc họ viết như thế mà, chân thật, chất phác, cần ưu tiên châm trước cho “Pi no ọng”. Và đúng là thế hai bài thơ tình nổi tiếng của dân tộc Thái dưới cái “lốt” Cầm Giang nhưng mang tên Cầm Vĩnh Ui, Bạc Văn Ùi được “sống” trót lọt trên văn đàn.
Nói về vấn đề này, Cầm Giang kể lại: Thông thường người đời thích biến con nuôi thành con đẻ, còn tôi thì cố sống cố chết để biến con đẻ thành con nuôi. Hai bài thơ Nhớ vợ và Em tắm do tôi làm ra, là “con đẻ”, chứ đâu phải là tôi dịch. Vì tôi không muốn hai đứa con tinh thần ấy chết khô trong sổ tay mà tôi phải cấp khai sinh cho nó. Thời đó, bài thơ tình Màu tím hoa sim của Hữu Loan là bài thơ tình rất hay mà tác giả của nó phải “lên bờ xuống ruộng”. Với 2 tên tác giả “ảo” Bạc Văn Ùi, Cầm Vĩnh Ui, người dân tộc Thái, thì tác phẩm mới được “sống”. Với tác giả người dân tộc thiểu số thì chẳng nhà phê bình nào soi mói cái gọi là “lãng mạn tiểu tư sản”, “thiếu lập trường giai cấp” của bài thơ, mà chỉ tán dương là “mộc mạc”, “hồn nhiên”, “chân chỉ hạt bột”... Nhà thơ đã biến “con đẻ” thành “con nuôi”, nên độc giả mới được đọc Nhớ vợ và Em tắm trên sách báo từ đó đến nay.
Ngoài hai bài thơ tình có số phận lao đao ấy ra thì nhắc đến Cầm Giang độc giả còn nhớ tới một bài thơ, một bông hoa giữa bạt ngàn núi rừng Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo là Núi Mường Hung, dòng Sông Mã. Đây là một bài thơ giàu tính nhạc, nhiều câu hay mang đặc trưng của tình yêu đôi lứa gắn với nhiều địa danh miền núi sơn cước. Chính vì lẽ đó mà nhạc sỹ Bùi Đức Hạnh đã phỏng thơ để tạo thành tác phẩm âm nhạc nổi tiếng Tình ca Tây Bắc. Trong đó có nhiều câu thơ được giữ y nguyên như: “Em hãy về bên suối/ Đợi anh ở bên khuông/ Anh làm no lòng mường/ Em làm vui ấm bản… Anh là rừng xanh thắm, em là suối ngàn sâu/ cây rừng anh làm cầu, vắt ngang qua dòng suối/ Khi nắng mùa xuân tới, rừng anh in bóng suối”.
Trong ngày Thơ Việt Nam (năm 2007), Trung tâm văn hóa doanh nhân Việt Nam đã công bố 100 bài thơ hay do Trung tâm tổ chức bình chọn. 100 bài thơ của 100 nhà thơ được vinh danh trong đó có 3 bài thơ "đậm chất Tây Bắc" là các bài: Núi Mường Hung, dòng sông Mã của nhà thơ Cầm Giang; Nhớ vợ của Cầm Vĩnh Ui; và Em tắm của Bạc Văn Ùi. Trải qua thời gian, đến mãi ngày hôm nay, những bài thơ ấy không bao giờ là xưa cũ mà vẫn mãi trẻ trung, mới mẻ, và luôn là những bài thơ nổi tiếng của thơ ca dân tộc thiểu số miền Tây Bắc.
*
Sinh năm 1931, đến năm 1948, Lương Cầm Giang nhập ngũ ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá, theo đoàn binh Tây Tiến vượt sang Lào rồi vòng về giải phóng Tây Bắc. Những năm 50, đơn vị từ Sầm Nưa quay về Tây Bắc. Năm 1968 anh chuyển về dạy học đến khi anh qua đời năm 1989 khi mới 59 tuổi. Cầm Giang là một tấm gương sáng về tự học và nghị lực vươn lên, không chịu khuất phục. Ông chỉ thực sự được học trong nhà trường hết bậc tiểu học. Tất cả những kiến thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, những kiến thức, kỹ năng về nghề giáo, nghề thầy thuốc, "nghề" thơ... ông học ở trong sách vở và trong trường đời. "Những trường đại học của tôi" đã đào tạo nên một Cầm Giang có một kiến thức sâu rộng ở nhiều phương diện.
Cầm Giang tài hoa và sắc sảo trong cách viết thơ văn, trong nhận xét phê bình, và những ẩn số, để lại tiếng vang trong lòng hàng triệu người hâm mộ với những bài thơ nổi tiếng. Ngoài thơ, tác giả còn viết truyện ngắn, bút ký, nhật ký với những nhận xét thẳng thắn, sắc sảo. Ông Giang chó là một truyện ngắn hay đã được đăng báo khu tự trị Việt Bắc. Đó là câu chuyện có thật về một bác thợ lò bậc 6/6 chuyên mổ chó bán ngoài giờ làm việc, với những tình tiết cười ra nước mắt, chứa đựng nội dung sâu sắc.
Cuộc đời và tác phẩm thơ Cầm Giang có nhiều ẩn số, có ẩn số đã có lời giải và có những ẩn số mãi mãi không có lời giải, đặc biệt là đời thơ. Phải chăng nó cũng xuất phát từ cái triết lý rất rất “thơ” của tác giả: “Ở đời mà tất cả những ẩn số đều tìm được lời giải, mọi việc cứ trắng đen rõ ràng, cứ lúc nào cũng tới bến thì cái đời ấy nhạt nhẽo, bằng phẳng vô cùng”.
Không ai có thể phủ nhận được vị trí và đóng góp to lớn của Cầm Giang trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam.
Hiền Minh
Nguồn: Văn nghệ số 41/2019