23/12/2024
Trong hệ thống văn bia Phật giáo, văn bia Hậu Phật và Ký kỵ là loại hình văn bia độc đáo, mang sắc thái riêng và chỉ có ở Việt Nam. Với đặc điểm là loại hình ghi công (kỷ công) và ghi việc (kỷ sự), văn bia đã phản ánh sinh động, đầy đủ các mặt của hoạt động gửi giỗ chùa. Đặc biệt, qua nội dung văn bia, vai trò xã hội của Phật giáo được thể hiện rõ qua chức năng vun bồi văn hóa và giáo dục tư tưởng đạo đức. Tại Thanh Hóa, loại hình văn bia hậu Phật và Ký kỵ chiếm số lượng tương đối nhiều, các văn bia có niên đại trải từ thời Lê Trung Hưng đến hết thời Nguyễn. Điều này thể hiện niềm tin và tính kế thừa của người dân đối với tín ngưỡng thờ Phật. Từ những thông tin mà văn bia hậu Phật và Ký kỵ phản ánh đã chứng minh rằng: Gửi giỗ chùa là mỹ tục xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt trong sự dung hòa với văn hóa Phật giáo; gửi giỗ chùa đã mang đậm sắc thái văn hóa bản địa và đáp ứng được ước vọng tâm linh của một bộ phận người dân Việt Nam.
Ấn phẩm Văn bia Hậu Phật và Ký kỵ tỉnh Thanh Hóa là tập sách chứa đựng nhiều ý nghĩa. Đó là tập tư liệu thành văn về văn bia Hậu Phật và Ký kỵ, vừa hỗ trợ đắc lực cho việc nghiên cứu lịch sử di tích, lịch sử Phật giáo; vừa góp phần bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị di tích.
Tin bài: Nhóm tác giả